Là sản phẩm của một đại gia “họ dầu khí”, nhưng Dự án Hanoi Time Tower cũng đang khiến, nhiều nhà đầu tư “đứt từng khúc ruột” vì “tiền đã trao nhưng cháo chưa biết bao giờ mới được múc”…
Là sản phẩm của một đại gia “họ dầu khí”, nhưng Dự án Hanoi Time Tower cũng đang khiến, nhiều nhà đầu tư “đứt từng khúc ruột” vì “tiền đã trao nhưng cháo chưa biết bao giờ mới được múc”…
Tháng 10/2010, Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) rầm rộ tổ chức lễ khởi công Dự án “Tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ thương mại CT10, CT11 Văn Phú” (gọi tắt là Dự án Hanoi Time Towers) tại Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Ngồn vốn đầu tư được cho rằng lên tới 1.454,5 tỷ đồng, nhà đầu tư thứ phát là Công ty Việt Long.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư ngày khởi công, tổng diện tích sàn xây dựng của công trình là 109.685 m2. Trong đó, 62.088 m2 sàn căn hộ kinh doanh và 7.955 m2 sàn thương mại. Dự án này gồm tổ hợp 2 tòa tháp cao 39 tầng với khoảng 600 căn hộ (diện tích từ 84 – 116,5m2, 5 tầng trung tâm thương mại và 662 chỗ đậu xe). Diện tích này đáp ứng đủ nhu cầu cho gần 2.500 cư dân với mức sinh hoạt cao. Phía chủ đầu tư nói rõ, Hanoi Time Tower sẽ được hoàn thành vào quy IV/2013.
Dù được cam kết như vậy, nhưng hiện nay, nhiều khách hàng của PVR đang lo ngại đặc biệt đến tiến độ thực hiện dự án cũng như về “thân phận” số tiền mà họ bỏ ra mua căn hộ tại đây.
Công bố của chủ đầu tư cho thấy, bắt đầu từ tháng 08/2011, dự án được tiến hành công tác thi công phần móng, hầm. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà đầu tư, đến nay dự án mới đào đất và xây dựng phần tầng hầm.
Cần nói rõ, trước đó, dù chưa tiến hành xây dựng, nhưng PVR đã tiến hành huy động vốn dưới dạng hợp đồng góp vốn với khách hàng. Phản ánh với báo chí, khách hàng tên M. cho hay, dù đã ký hợp đồng góp vốn với PVR nhưng khi biết tin dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư vẫn không một lời giải thích hay xin lỗi khách hàng.
Trong một động thái mới, sau khi xây móng, đối với những khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn, PVR đã cho “gọi” từng người đến ký hợp đồng mua bán căn hộ. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng thì phía chủ đầu tư “niêm phong” hợp đồng này và không cho đưa về, chỉ bàn giao cho khách hàng một tờ giấy là PVR giữ hộ khách hàng các giấy tờ liên quan đến căn hộ!.
PVR là mang “họ dầu khí” nên những lo ngại của khách hàng càng tăng lên khi mới đây, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam đã quyết định thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Trong một diễn biến mới, cuối tháng 2/2012, 30 khách hàng mua căn hộ tại Dự án Hanoi Time Tower đã ký đơn yêu cầu PVR trả lời các câu hỏi, như rút vốn sẽ như thế nào, tiếp tục ký hợp đồng và đóng tiền thì tiến độ thực hiện và cam kết của chủ đầu tư ra sao? Tuy nhiên, những thông tin này đã không được PVR giải đáp thoả đáng.
Theo phản ánh của khách hàng, trong khi các dự án khu vực Hà Đông đang có mức giảm rất mạnh, thì việc PVR vẫn giữ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư. “Trong khi chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng tiến độ, chúng tôi cũng đang kêu gọi các khách hàng đề nghị PVR phải điều chỉnh giá bán”, khách hàng M, cho biết.
Nguồn tin của báo chí cho thấy, ngoài việc thực hiện dự án Hanoi Time Tower, PVR còn là chủ đầu tư của các dự án “khủng”, với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng), dự án chung cư cao tầng CT17 Việt Hưng, có tổng mức đầu tư trên 1000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư băn khoăn, phương án thực hiện huy động nguồn vốn và các thông tin liên quan đến dự án lại không được PVR công khai một cách minh bạch…
(Theo phapluatvn)