Tọa lạc ở khu "đất vàng", 11 Nguyễn Thái Học, Đà Lạt nhưng nhiều năm qua Khu Trung tâm Vui chơi giải trí Đà Lạt đang rơi vào tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, cảnh quan hoang tàn, cỏ mọc um tùm…
Dù thực trạng đã được hản ánh trước đây nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền của TP. Đà Lạt giải quyết thấu đáo, khiến dư luận bất bình.
Khu Trung tâm Vui chơi giải trí Đà Lạt tọa lạc trên khu “đất vàng” tại số 11 Nguyễn Thái Học nay là đường Trần Quốc Toản, nằm đối diện hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt)…
Dù nằm ở vị trí "đất vàng" nhưng Khu vui chơi giải trí Đà Lạt đã "đắp mền" nhiều năm qua
Theo quan sát của người dân địa phương, dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng Trung tâm Vui chơi giải trí Đà Lạt (Trung tâm VCGT Đà Lạt) đã đóng cửa từ hơn hai năm qua. Hoạt động kinh doanh bị ngừng, không được đầu tư nâng cấp, bảo quản khiến nhiều công trình nhà cửa, thiết bị tại đây nhanh chóng xuống cấp, cảnh quan hoang tàn, cỏ mọc um tùm; gây lãng phí rất lớn về tài sản, đất đai và làm mất vẻ mỹ quan của đô thị Đà Lạt.
Cũng theo người dân, hiện Trung tâm VCGT Đà Lạt thành nơi trú ngụ của những người sống lang thang, chích hút của các con nghiện và là nơi “trú ẩn” của tệ nạn mại dâm…
Trung tâm VCGT Đà Lạt được hình thành từ năm 1998, giữa liên doanh Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt (nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt) và Công ty TOA ECONOMIC LABORATORY của Nhật Bản theo giấy phép của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhằm phục vụ vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên địa phương và khách du lịch.
Thời gian hoạt động là 15 năm kể từ ngày cấp giấy phép đầu tư, hết hạn hợp đồng vào ngày 24/3/2013. Đến năm 2006, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, phía công ty Nhật Bản đã nhượng lại phần góp vốn cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (Công ty CP ĐTPTHT; Q4, TP HCM), kể từ đó, Công ty CP ĐTPTHT làm Trưởng Ban điều phối Trung tâm VCGT Đà Lạt.
Sau 15 năm hoạt động, tháng 3/2013, Ban Thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh Trung tâm VCGT Đà Lạt, do ông Nguyễn Quang Hưng (Công ty CP ĐTPTHT) làm Trưởng ban, tổ chức họp bàn việc triển khai thực hiện tiến trình thanh lý hợp đồng. Hai bên liên doanh đi đến thống nhất sẽ tiến hành định giá, thanh lý tài sản, hợp đồng lao động, nhưng giữ lại ban lãnh đạo Trung tâm VCGT Đà Lạt, gồm: 1 kỹ thuật và 2 bảo vệ trong thời gian chờ hoàn tất việc thanh lý hợp đồng của liên doanh…
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa thể thanh lý được hợp đồng.
Theo Giám đốc Công ty DVĐT Đà Lạt Bùi Trung Đường, nguyên nhân là do từ đó đến nay, phía Công ty CP ĐTPTHT không hề hợp tác để thanh lý hợp đồng.
Từ tháng 4/2013 cho đến nay, phía Công ty DVĐT Đà Lạt đã gửi gần 20 văn bản đến Công ty CP ĐTPTHT đề nghị sớm hoàn tất việc thanh lý hợp đồng, hoặc ủy quyền cho Công ty DVĐT Đà Lạt thực hiện nhưng phía Công ty CP ĐTPTHT vẫn không trả lời. Không chỉ vậy, phía Công ty CP ĐTPTHT sau đó cũng chuyển dời luôn văn phòng công ty nên không thể liên lạc được, gọi điện thì cũng không nghe máy.
Cũng theo Giám đốc Công ty DVĐT Đà Lạt, đến nay, Ban Điều phối Trung tâm VCGT Đà Lạt còn nợ tiền người lao động tổng cộng lên đến hơn 243 triệu đồng, trong đó tiền lương hơn 150 triệu đồng, trợ cấp thôi việc gần 93 triệu đồng. Chưa kể tiền lương của những người còn làm việc chờ thanh lý, những lao động này nhiều lần gởi đơn kiến nghị giải quyết quyền lợi đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa thể giải quyết được vì lý do vắng mặt Ban Thanh lý Trung tâm VCGT Đà Lạt.
Liên quan đến vấn đề này, theo Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, Đặng Nguyễn Văn Tích, Trung tâm đang đề xuất UBND tỉnh tổ chức cưỡng chế, thu hồi và thanh lý tài sản của liên doanh Trung tâm VCGT Đà Lạt để trả lương và trợ cấp thôi việc cho công nhân.
Sau khi thu hồi khu đất này, sẽ tổ chức đấu giá để tránh gây lãng phí quỹ đất. Cũng theo ông Tích, khu “đất vàng” này rộng hơn 3.000m2 và trị giá khoảng 100 tỉ đồng.