Trong năm tới, dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc (khu vực ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí) sẽ được Tp.HCM triển khai.
Được biết, dự án gồm 3 tiểu dự án: nút giao ngã năm Đài liệt sĩ (gần Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh); xây cầu Ông Dầu (Thủ Đức); mở rộng và nâng cấp đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh).
Trong đó, tiểu dự án có quy mô lớn nhất là dự án nút giao ngã năm Đài liệt sĩ, với một đảo tròn bán kính 22,5m, đường xung quanh rộng 18m. Đồng thời, dự án cũng sẽ mở rộng đường Chu Văn An rộng 23m, dài khoảng 200m. Bên cạnh đó sẽ có một hầm chui dài 450m, rộng 9m cho xe đi theo hướng từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ra QL13.
Mặt khác, chính quyền TP cũng xây mới 2 cầu Ông Dầu bên cạnh cầu cũ, đảm bảo quy mô mặt cắt ngang cầu tương ứng với các đoạn đường ngoài cầu.
Tp.HCM cũng sẽ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (từ ngã năm Đài liệt sĩ đến Tân Cảng) với chiều dài 1,7km, bề rộng 30m, quy mô 6 làn xe.
Tổng kinh phí xây dựng 3 dự án trên là 2.293 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 1.364 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII), quận Bình Thạnh hiện đã trình phương án giá đền bù, giải tỏa các hộ dân dọc tuyến đường Ung Văn Khiêm, từ ngã năm đến chân cầu Sài Gòn, khu vực ngã năm Đài liệt sĩ. Sau khi có mặt bằng, CII sẽ triển khai thực hiện dự án.
|
Nhiều tuyến đường cửa ngõ Đông Bắc Tp.HCM sẽ được mở rộng trong năm 2019. |
Liên quan tới dự án mở rộng QL13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu (thuộc dự án thành phần xây cầu Bình Triệu 2 được đầu tư bởi CII), Sở GTVT Tp.HCM cho hay, từ đầu năm 2018, Tp.HCM cùng Bình Dương tiến hành các phương án đền bù giải tỏa để chuẩn bị khởi động xây dựng mở rộng tuyến này lên 10 làn xe.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, những dự án này nếu được thực hiện sẽ tạo đột phá để Tp.HCM kết nối với Bình Dương - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết với các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và hàng loạt tỉnh Tây Nguyên.
Theo các chuyên gia, khu Đông Bắc Tp.HCM sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" Tp.HCM - Bình Dương - Bình Phước. Hơn nữa, đây cũng là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa Tp.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Song, suốt nhiều năm qua, hàng loạt dự án mở rộng "cửa ngõ" vẫn nằm trên giấy, khiến hiệu quả đầu tư và phát triển kinh tế liên vùng sụt giảm.
Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM, ông Bùi Xuân Cường cho hay, năm 2019 sẽ ưu tiên thực hiện các dự án tại khu Đông Bắc và những dự án kết nối giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó, một số công trình giao thông khu vực cửa ngõ sẽ được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới tại các khu đô thị vệ tinh và khai thác tốt cơ sở hạ tầng hiện hữu, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông theo quy hoạch.