Parkcity, dự án từng được coi có mức giá đắt nhất Hà Nội những năm 2009, nhưng
đến nay vẫn nằm bất động. Tới nay, hình ảnh một thành phố trong công viên không
thấy đâu mà nơi đây chỉ là một bãi bê tông lởm chởm như bẫy chông hại chết bao
nhà đầu tư.
Parkcity, dự án từng được coi có mức giá đắt nhất Hà Nội những năm 2009, nhưng đến nay vẫn nằm bất động. Tới nay, hình ảnh một thành phố trong công viên không thấy đâu mà nơi đây chỉ là một bãi bê tông lởm chởm như bẫy chông hại chết bao nhà đầu tư.
Dự án Parkcity nằm trên vị trí đắc địa giao cắt hai tuyến đường lớn là Lê Trọng Tấn và Lê Văn Lương (Hà Đông, Hà Nội). Dự án có tổng diện tích 77ha với 12 tiểu khu bao gồm 900 nhà biệt thự và khoảng 7.000 căn hộ chung cư. Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Sau 2 năm khởi động, hiện dự án mới chỉ làm xong một trục đường chính chạy giữa dự án và đổ một phần móng, xây cột tại khu Ngọc Lan. Hàng chục khách hàng mua dự án Parkcity cho biết, sắp đến thời hạn bàn giao nhà theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng, nhưng tại khu nhà thấp tầng Tiểu khu 1, dự án Parkcity vẫn chỉ dừng lại ở phần móng và “đắp chiếu” suốt gần 1 năm nay. Hầu hết các hạng mục đều chậm tiến độ, trong khi chủ đầu tư đang loay hoay với sự cố sụt lún và phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để khắc phục.
Với lợi thế về địa thế và tên tuổi của chủ đầu tư là CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VDIC), một liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (S) Pte. (Malaysia), dự án ParkCity Hà Nội đã từng rất "hot" trong mắt nhà đầu tư.
Trước đó, tại đợt mở bán đầu tiên vào ngày 3/8/2010, dự án đã thu hút rất đông nhà đầu tư đăng ký mua nhà. Mặc dù mức giá gốc chủ dự án đưa ra rất cao, khoảng 75 triệu đồng một m2 (chưa bao gồm VAT).
Mức giá này cao hơn rất nhiều những dự án lân cận, nhưng do có quá nhiều người muốn mua hàng, khiến chênh lệch giá mỗi suất đất tại dự án này bị đẩy nhanh đến chóng mặt, lên đến 1,2 - 1,5 tỷ đồng mỗi suất. Sau đó, mức chênh lệch còn được đẩy lên đến 3 - 5 tỷ đồng một lô, tùy vào diện tích mỗi căn nhà.
Cuối năm 2011, dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã đòi rút vốn. Không ít trong số họ đã phải chấp nhận mất hàng tỷ đồng tiền chênh mà trước đó đã bỏ ra để có được suất mua nhà, biệt thự tại dự án này.
Mới đây, Tổng công ty Vinaconex đã chính thức rút hết vốn tại dự án một thời đình đám Parkcity. Dự án đang ngưng trệ trong thời gian dài khiến cho khách hàng đang lo lắng và muốn tìm hiểu năng lực thực sự của chủ đầu tư để biết liệu dự án sẽ đi về đâu.
Theo anh H., một khách hàng mua dự án, từ cuối năm 2011 khi anh đến dự án thì thấy các công việc đều bị dừng lại, không thấy bóng dáng công nhân làm việc. Tại cuộc họp với khách hàng, đại diện chủ đầu tư cho hay, dự án đang chậm tiến độ do xuất hiện sự cố kỹ thuật nứt bề mặt móng và móng lún quá mức cho phép. Do nền đất dự án đang xây dựng trước đây là khu ao hồ, đầm lầy, thời gian san nền và thi công ngắn nên đất chưa kịp lún ổn định, tuy nhiên, chủ đầu tư lại lựa chọn giải pháp xây móng không đóng cọc.
Đến đầu tháng 07/2012 bên phía chủ đầu tư có tiến hành phá dỡ 4 dãy móng phía bên trong của tiểu khu Ngọc Lan. Nhưng đến ngày 07/7/2012 thì đơn vị dừng thi công và đến nay vẫn chưa tiếp tục tiến hành.
Riêng số tiền để khắc phục sự cố trên, theo chủ đầu tư, lên tới trên 100 tỷ đồng. Dự án muốn tiếp tục triển khai cần một lượng vốn lớn. Đại diện chủ đầu tư đã khẳng định, đơn vị này sẽ phải có trách nhiệm với các vấn đề trong hợp đồng.
Phía chủ đầu tư luôn mong muốn thực hiện những gì đã cam kết trong hợp đồng với khách hàng. Nếu dự án chậm bàn giao nhà theo như hợp đồng, sẽ trả tiền chậm tiến độ theo đúng hợp đồng cho khách hàng. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư không còn tin tưởng vào năng lực của đối tác ngoại.
Trong khi các bên còn tranh cãi, dự án hầu như vẫn án binh bất động, khách hàng thì như “ngồi trên đống lửa” vì không biết đến bao giờ mới được nhận nhà. “Chấp nhận mua dự án với giá đắt nhất Hà Nội hồi năm 2009 vì chúng tôi tin tưởng ở chủ đầu tư Mailaysia. Nhưng nếu chất lượng tồi như thế này, thì chúng tôi vô cùng thất vọng”, anh H. cho biết.
(Theo
VEF)