Các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam vẫn được giữ nguyên theo nghị quyết của Quốc hội, trong đó chỉ giảm tiêu chí đánh giá nhà đầu tư dự án.
Theo thông tin mới đây từ Bộ Giao thông Vận tải, các ban quản lý dự án thuộc Bộ sẽ phát hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư 8 dự án thành phần (hình thức BOT) thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam trong tuần tới. Trong tháng 1/2020, công tác sơ tuyển dự kiến sẽ được hoàn tất.
Bộ Giao thông Vận tải trước đó đã hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam và quyết định chuyển sang đấu thầu trong nước.
|
11 dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
(Ảnh: V.Long) |
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ giữ nguyên tiêu chí chọn nhà thầu theo nghị quyết của Quốc hội với vốn chủ sở hữu là 20%, không bảo lãnh khoản vay và doanh thu... Vậy nhưng, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí về đánh giá nhà đầu tư. Lý do là, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong nước sẽ hạn chế khi toàn quốc mới có khoảng 800-900km cao tốc.
Ông Đông khẳng định, những dự án thành phần sẽ không bị chia nhỏ vì đã tính toán kỹ các chặng thu phí, hơn nữa Quốc hội cũng đã "chốt" vấn đề này. Chưa kể, việc chọn chặng thu phí dự án phải có khả năng thu hồi vốn và cơ sở kết nối, nếu cứ làm 5km rồi thu phí thì không biết kết nối với tuyến nào.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nghị quyết Quốc hội nêu rõ, nếu không lựa chọn được nhà đầu tư dự án sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển sang đầu tư công, kết nối các tuyến với nhau. Ông Đông nói: "Như vậy đã rõ về chủ trương, không có chuyện Bộ Giao thông Vận tải chỉ định nhà đầu tư".
Ông Đông thông tin, Bộ Giao thông Vận tải tới đây sẽ có những kiến nghị và tham mưu Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư huy động vốn thực hiện dự án đảm bảo chất lượng lẫn tiến độ.
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu và xử lý phản ánh của báo giới về việc doanh nghiệp Việt xây cao tốc Bắc - Nam thì sử dụng vốn từ đâu, tránh để doanh nghiệp trong nước tư lợi "ôm" doanh nghiệp ngoại đấu thầu dự án, tránh nạn "sân trước - sân sau".
Tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 3 dự án đầu tư công. Tổng vốn đầu tư dự án lên tới 102.513 tỷ đồng.
Trong tổng kinh phí này, 51.702 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động, 50.841 tỷ đồng là vốn Nhà nước hỗ trợ. Quốc hội đã thông qua chủ trương mức phí, lộ trình tăng phí của dự án. Cụ thể, mức phí khởi điểm là 1.500 đồng/xe con/km, mức trần 3.400 đồng/xe con/km trong những năm 2042 - 2044. Đồng thời, phí cao tốc được đảm bảo tăng đúng theo lộ trình.
|
Theo Pháp Luật Tp.HCM Online