Sau gần 6 năm kể từ khi được chấp thuận đầu tư, qua 1 lần điều chỉnh quy
mô dự án từ 30 triệu USD lên 50 triệu USD, Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà
Tây đến nay vẫn là… bãi đất hoang.
Sau gần 6 năm kể từ khi được chấp thuận đầu tư, qua 1 lần điều chỉnh quy mô dự án từ 30 triệu USD lên 50 triệu USD, Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây đến nay vẫn là… bãi đất hoang.
Nằm giữa ngã tư Trần Phú - Yết Kiêu, Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây được giới đầu tư đánh giá là có vị trí đắc địa vào bậc nhất trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội. Công trình được chấp thuận đầu tư từ tháng 6/2006 tại Công văn số 2532/UBND-NV ngày 8/6/2006 của UBND Hà Tây (cũ). Đến ngày 27/7/2007, Dự án được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết (tỷ lệ 1/500) tại Quyết định số 1326/QD-UBND của UBND tỉnh Hà Tây.
Theo quy hoạch, Dự án có quy mô 29 tầng, với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, phía chủ đầu tư đã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy mô dự án thành 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD cho xứng tầm với Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư dự án là Công ty TSQ Việt Nam, Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, với diện tích chiếm đất gần 6.000 m2. Toà tháp là một tổ hợp công trình đa chức năng bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp... đồng bộ và hiện đại. Dự án được khởi công ngày 11/7/2008 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2010.
Được biết, khu vực chiếm đất của Dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây nguyên là khu trụ sở của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội và một phần Khu tập thể Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2009, Công ty TSQ Việt Nam đã nhất quyết yêu cầu chính quyền quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế, di dời các đơn vị này để lấy mặt bằng xây dựng dự án. Tuy nhiên, sau khi các tổ chức, cá nhân di dời, toàn bộ khu đất lại bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, năm 2009, khi tiến hành giải phóng mặt bằng, Công ty TSQ Việt Nam đã phá dỡ trước thời hạn khu nhà 3 tầng kiên cố của Hiệp hội. Nhiều đồ thủ công mỹ nghệ của các làng nghề thuộc Hà Tây (cũ) có giá trị hàng trăm triệu đồng bị đập phá. Những tưởng, sau khi có mặt bằng, Dự án sẽ được xây dựng để trả lại không gian trưng bày cho các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của Hà Tây (cũ) và Hà Nội, nhưng đến nay, đã quá thời hạn hoàn thành gần 1 năm, nhưng Dự án vẫn chưa tiến hành khởi công. Chủ đầu tư cũng hoàn toàn im lặng, không có bất cứ giải thích nào với các tổ chức có liên quan đến dự án và người dân sống trong khu vực.
Về phía chủ đầu tư, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty TSQ Việt Nam để hỏi về tiến độ dự án, nhưng không nhận được câu trả lời. Trên trang web www.tsq.vn của Công ty cũng chỉ xuất hiện vỏn vẹn vài thông tin giới thiệu Dự án dưới dạng “dự án đầu tư”, mà không có bất cứ thông tin nào về thời điểm xây dựng dự án, cũng như thời gian hoàn thành
(Theo Đầu tư)