Tuyến đường bộ trên cao sẽ đi qua 3 quận: Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là 17.500 tỷ đồng.
UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho triển khai dự án xây dựng đường trên cao số 1 theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để thực hiện đầu tư.
Theo đó, việc xây dựng đường trên cao số 1 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), do đây là dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội, lợi ích cho nhà nước.
TP.HCM chi gần tỷ USD xây dựng đường trên cao số 1
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, TP.HCM có tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài là 70,7km. Mặc dù vậy, đến nay, TP chưa có tuyến nào được đầu tư.
Trong khi đó, các phương tiện lưu thông qua khu vực trung tâm thành phố, các tuyến trục, vành đai phải giao cắt với các tuyến đường giao thông đô thị nên dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các vị trí này.
Tuyến đường bộ trên cao sẽ đi qua 3 quận bao gồm quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Tuyến đi bộ trên cao số 1 có lộ trình bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài). Sau đó, tuyến này sẽ giao với đường Điện Biên Phủ và tuyến tách một nhánh lên xuống tại khu vực nút giao đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại sẽ kéo dài theo đường Ngô Tất Tố - kết thúc trước cầu Phú An (tổng chiều dài khoảng 9,5 km, rộng 17,5 m).
Dự án này có chiều dài 9,5km; bề rộng 4 làn xe (17,5m) với tổng mức đầu tư dự kiến là 17.500 tỷ đồng.
Theo UBND TP.HCM, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường trên cao sẽ tăng diện tích mặt đường giao thông, giúp các phương tiện lưu thông từ các khu vực trong phạm vi trung tâm thành phố đến các khu vực cửa ngõ, kết nối liên vùng được xuyên suốt, giảm áp lực giao thông, ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông hiện hữu.
Trước đây, dự án đầu tư tuyến đường bộ trên cao số 1 đã được giao cho nhà đầu tư là Công ty GS E&C (Hàn Quốc) nghiên cứu, đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, công ty này đã xin rút khỏi dự án do không thể triển khai.
Sau đó, Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới cũng đã đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án với thời gian thực hiện là 4 năm với 30% vốn Nhà nước và 70% vốn từ nhà đầu tư. Thế nhưng, hiện tại chủ đầu tư này đã đề nghị chấm dứt tham gia dự án.
Đáng chú ý, bên cạnh dự án xây dựng cầu đi bộ số 1, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng được triển khai xây dựng một số dự án trọng điểm của TP theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để thực hiện đầu tư.
Đơn cử như dự án xây dựng đoạn tuyến vành đai 2, đoạn từ nút giao thông An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22; dự án đường trục Bắc – Nam; dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn; dự án xây dựng Trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh tại TP.HCM...