Sắp tới, để chào mừng 40 năm thống nhất, Tp.HCM sẽ tiến hành khởi công xây dựng 5 công trình mang tính trọng điểm của thành phố.
Những công trình sẽ được khởi công xây dựng là:
1. Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu
Vị trí của dự án là nằm trên đường số 400, ấp Cây Dầu, phường Tân Phú thuộc quận 9, có diện tích đất hơn 55 ha với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ, trong đó, khoảng 3.000 tỷ đồng được dành cho chi phí thiết bị. Dự kiến, trong 2017, bệnh viện mới sẽ được hoàn thành.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 qua bản phối cảnh. Ảnh: HTD.
Quy mô của công trình là 1.000 giường được thiết kế với đầy đủ các khu khám chữa bệnh ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, các khu hành chánh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cùng các công trình phụ trợ... Mục đích xây dựng bệnh viện là nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại địa bàn Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, đồng thời, giúp giảm quá tải cho bệnh nhân ung bướu ở cơ sở 1.
Công trình xây dựng gồm khối đế 3 tầng, 2 khối tháp cao 6 tầng, tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm với, tổng chiều cao của dự án là 43m. Bệnh viện không chỉ có các khu chức năng phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh, mà còn thiết kế cả sân đậu trực thăng trên mái khối tháp để đáp ứng nhanh nhạy hơn trong việc chuyển nhận bệnh nhân cấp cứu, chuyển viện, xuất nhập viện bệnh trong nước và quốc tế.
2. Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Công trình được xây dựng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc thuộc quận 9, có diện tích hơn 6.000m2, với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 55 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách của thành phố. Công trình được xây dựng với mục đích tưởng nhớ những người đã có công trong việc đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định.
Hình ảnh về Đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Cù Lao Phố, Đồng Nai
được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Ảnh: Báo Đồng Nai.
Vị tướng tài ba Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) đã được chúa Nguyễn Phúc Chu giao nhiệm vụ làm Thống suất kinh lược xứ Nam bộ năm 1698, năm này cũng được lấy là năm khai sinh của vùng đất Sài Gòn xưa (Tp.HCM nay).
Thời gian của chuyến kinh lược tuy không dài nhưng tướng Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện được một số công việc quan trọng, có ý nghĩa đặt nền tảng cho công cuộc khai khẩn mạnh mẽ tại vùng Nam Bộ lúc bấy giờ. Ông đã định hướng phát triển nơi đây từ vùng lưu dân tự phát trở thành một vùng lãnh thổ của nước nhà.
3. Dự án cầu vượt thép tại ngã 6 Gò Vấp
Cầu vượt thép ở khu vực ngã 6 Gò Vấp trong thiết kế có hình chữ Y, tương tự
cầu vượt thép ở bùng binh Cây Gõ. Ảnh: Hữu Công.
Cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp được đầu tư với tổng vốn gần 406 tỷ đồng, được chia làm 2 nhánh. Trong đó, nhánh chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm với chiều dài là 234m, rộng 6m; một nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh, có chiều dài là 274m, chiều rộng 6m. Dự kiến, sau 7 tháng thi công, dự án sẽ được hoàn thành.
Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cho biết, lượng kẹt xe tại giao lộ này sẽ giảm đến 80% khi cầu vượt được đưa vào sử dụng.
Những dự án cầu vượt thép trước đó được đưa vào sử dụng tại ngã tư Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh, vòng xoay Lăng Cha Cả, nút giao Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ - 3/2, giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa và cầu vượt thép hình chữ Y tại bùng binh Cây Gõ đã phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm sự ùn tắc cho các khu vực.
4. Dự án nâng cấp đường Lương Định Của, Trần Não (quận 2)
Hình ảnh hẹp và xuống cấp của đường Lương Định Của (quận 2). Ảnh: H.C.
Là tuyến đường có vai trò quan trọng của khu vực quận 2 đi qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết nối giữa đại lộ Đông - Tây với cầu Thủ Thiêm để vào trung tâm thành phố. Đồng thời, cũng là tuyến đường nối với cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nhưng, tuyến đường Lương Định Của lại này chỉ rộng có 6-7 m và tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm hoặc khi có xe tải lưu thông.
Cùng với 4 tuyến đường chính của khu đô thị Thủ Thiêm, 2 tuyến đường Trần Não và đường Lương Định Của trong tương lai sẽ là những tuyến đường huyết mạch của quận 2 (đoạn từ đường Trần Não đến đường Nguyễn Thị Định).
5. Tượng đài Asean Hòa bình - Hợp tác - Phát triển
Công trình được xây dựng nhằm mục đích thể hiện sự hợp tác và phát triển vì hòa bình của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là 1 thành viên trong số 11 nước thành viên của Hiệp hội. Cửa ngõ Tân Sơn Nhất thuộc quận Tân Bình dự kiến sẽ là địa điểm xây dựng công trình có ý nghĩa to lớn này.