Bán tháo dự án, chấp nhận lỗ để trả nợ ngân hàng, Công
ty địa ốc Dầu khí không phải là trường hợp hiếm hoi gặp khó khăn trong
lĩnh vực bất động sản.
Bán tháo dự án, chấp nhận lỗ để trả nợ ngân hàng, Công ty địa ốc Dầu khí không phải là trường hợp hiếm hoi gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.
Trên sàn chứng khoán, hàng loạt công ty cùng ngành với Địa ốc Dầu khí cũng báo lỗ trong quý III với những vấn đề tương tự. Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà (mã cổ phiếu ITC) công bố mức lỗ thuần trong 9 tháng tới 81 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động đầu tư tài chính trong quý III lỗ 11 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của ITC giảm 170%, còn doanh thu giảm 75%.
Trong số các doanh nghiệp bất động sản báo lỗ 9 tháng đầu năm 2011, công ty mẹ của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) đứng đầu với mức lỗ đột biến lên đến 119 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính của KBC sụt giảm 110% trong quý III, kéo lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 130% so với mức lũy kế 9 tháng đầu năm ngoái.
Mặc dù lãi 1,5 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, nhưng trong quý III, công ty mẹ của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) lỗ gần 7,2 tỷ đồng. Theo giải trình của phía công ty, quý III năm nay, Phát Đạt chỉ ghi nhận doanh thu từ các ngành kinh doanh phụ. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu từ ngành kinh doanh chính (bán các căn hộ) và cả các hoạt động phụ. Lợi nhuận tính đến hết quý III của Phát Đạt chỉ đạt 0,6% kế hoạch cả năm (1,5 tỷ đồng), kém xa so với mức đề ra của năm là 270 tỷ đồng.
Đơn vị vừa gây một cú sốc cho thị trường địa ốc, Công ty cổ phần Địa ốc dầu khí (mã PVL) cũng vừa báo lỗ 4,4 tỷ đồng cho quý III, kéo mức lợi nhuận sau 9 tháng năm 2011 xuống còn 7,5 tỷ đồng. Do áp lực thanh toán khoản vay đến hạn 100 tỷ đồng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, PVL chấp nhận hạ 35% giá căn hộ Petro Vietnam Landmark và dự kiến lỗ khoảng 70 tỷ đồng từ thương vụ này.
Cùng trong tình cảnh chi phí lãi vay tăng cao (quý III/2011 gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái), Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) thông báo mức lỗ 5,8 tỷ đồng trong quý III. Lợi nhuận tính đến hết tháng 9/2011 ước đạt 34,6 tỷ đồng, giảm 80% so với năm 2010. Tổng giám đốc Lê Chí Hiếu cho biết, lãi vay ngân hàng và chi phí đầu vào tăng cao, trong khi thu nhập khác không như cùng kỳ năm trước, dẫn tới lợi nhuận quý III âm, kể cả khi doanh nghiệp tiết giảm đáng kể các loại chi phí.
Bên cạnh rắc rối với dự án Nam An Khánh, Sudico ((mã SJS) cũng báo lỗ 9,2 tỷ đồng, còn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 548 (mã NTB) báo lỗ 6,3 tỷ đồng trong quý III/2011.
Trong số 43 công ty đang hoạt động trong ngành bất động sản, có tới 7 công ty báo lỗ trong báo cáo tài chính quý III/2011, chiếm 17%. Thực tế, trong điều kiện thị trường hiện nay, hấu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, không chỉ có các công ty thuộc ngành bất động sản.
Ngoài doanh thu từ hoạt động bán nhà, cho thuê văn phòng hay kinh doanh cao ốc sụt giảm từ 10% đến 200%, hoạt động đầu tư tài chính kém hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản kết thúc quý III trong tình trạng thua lỗ. Thậm chí, mức thua lỗ còn có thể cao hơn vào những tháng cuối năm khi hoạt động giải ngân của các ngân hàng gặp khó do thiếu thanh khoản.
Điểm sáng trong nhóm các công ty bất động sản niêm yết là Vincom (mã VIC). Đơn vị này thông báo lãi gần 500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2011, tăng 138% so với mức 232 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2010. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh chính đạt 634,5 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, trường Đại học kinh tế TP HCM, những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đã được nhìn thấy trước từ đầu năm, thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ, siết vốn trong lĩnh vực bất động sản, chứ không phải mới đây. Không chỉ quý III, mà sang quý IV, thậm chí cả năm sau, hoạt động kinh doanh của ngành này chưa có gì sáng sủa. Bởi tín dụng rót cho lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có ngành bất động sản sẽ còn eo hẹp hơn nữa.
Theo ông Chí, các ngân hàng đã và đang ráo riết thu hồi nợ, chứ không phải chờ tới cuối năm, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản có dư nợ xấu cao. Chính vì vậy, sắp tới sẽ có thêm nhiều công ty địa ốc bán tháo dự án trả nợ ngân hàng, chứ không phải mỗi mình Địa ốc Dầu khí. Tuy nhiên, bán được hay không lại là chuyện khác, khi thị trường bất động sản trầm lắng, sức tiêu thụ kém. Song, doanh nghiệp buộc phải xả hàng vì nếu tiếp tục "ôm" còn lỗ nặng hơn nữa do lãi suất cao, những điều khoản khắc khe của hợp đồng tín dụng...
Khi mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế đặt lên hàng đầu, trong đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là trọng tâm và được vạch ra phương hướng hẳng hoi, khi đó bất động sản còn khó khăn gấp bội, ông Chí cho biết. Bởi một khi tái cấu trúc, ngân hàng buộc phải xử lý toàn bộ các khoản nợ xấu để tiến hành hợp nhất, sáp nhập, họ sẽ không nuôi hoặc dễ dãi với các con nợ nữa mà sẽ mạnh tay xử lý, đặc biệt ở bất động sản - lĩnh vực tập trung nhiều nợ xấu.
(Theo Vnexpress)