Gia nhập WTO, thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo là sẽ có những tín hiệu khả quan với việc chuyển nhượng các dự án và nhu cầu nhà ở, văn phòng từ khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và nhu cầu thực sự của người dân.
Gia nhập WTO, thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo là sẽ có những tín hiệu khả quan với việc chuyển nhượng các dự án và nhu cầu nhà ở, văn phòng từ khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và nhu cầu thực sự của người dân.
Theo các Công ty bất động sản và văn phòng nhà đất, 2 tháng trở lại đây, những giao dịch về nhà chung cư tại các khu đô thị mới đang sôi động trở lại. Tại Hà Nội, chỉ ít ngày sau khi rao bán, chủ các căn hộ tại các khu Linh Đàm, Yên Hòa, Nguyễn Phong Sắc, Mỹ Đình... đều đạt được thỏa thuận với người mua. Tòa nhà Sông Đà - Mỹ Đình hay khu nhà Vimeco gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, những căn hộ có hướng, ở vị trí đẹp, nhiều người mua đã đánh tiếng sẵn sàng trả chênh lệch.
Chị Hoàng Yến, phụ trách môi giới nhà đất tại một văn phòng trên Điện Biên Phủ cho hay: “Sau thời gian nghe ngóng, những người có nhu cầu mua thực sự đã lên tiếng, người bán cũng có không còn hiện tượng rao giá “trên trời”. Vì vậy, theo chị Yến, ngày càng có nhiều giao dịch thành công. Theo tín hiệu chung của thị trường, giá nhà chung cư đang nhích lên so với thời kỳ "nguội lạnh".
Đại diện Công ty bất động sản Hoàng Quân ở TP HCM nhận định: "Mức độ giao dịch chung cư có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh mua để ở nhiều người đã có xu hướng mua để đầu tư".
Giá nhà chung cư tại TP HCM hiện cũng có khoảng 3 mức (cấp 6 triệu đồng/m2; cấp 10 triệu đồng/m2; và tại các khu trung tâm trên 1.000 USD/m2). Theo ông Marc Townsand, Tổng giám đốc Công ty Richchard Ellis Việt Nam, thị trường cho thuê nhà ở TP HCM, những căn hộ cao cấp sẽ thu hút khách nước ngoài và mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.
Tại các tỉnh khu vực phía Bắc, việc đấu giá đất tại một số thị xã mới lên cấp thành phố (trực thuộc tỉnh) đang diễn ra khá sôi động. Một nhà đầu tư nhỏ tại Bắc Giang cho hay: "Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với nhu cầu ở tại những khu mới là lý do khiến nhiều khu đất tại thành phố cấp tỉnh này bắt đầu có giá".
Hiện tượng sôi động kể trên thật ra mới chỉ chiếm phần nhỏ trong bức tranh bất động sản như “đại diện” của gam màu tích cực. Về tổng thể, suốt 2 năm qua, thị trường vẫn đang chìm trong giấc ngủ đông. Giới kinh doanh bất động sản đa phần cho rằng, “lỗi” vẫn tại quy định không được phân lô, bán nền làm các tay buôn có dày vốn đến mấy cũng chẳng dám ôm mỗi căn nhà cỡ toàn bạc tỷ. Hiện một loạt dự án vùng ven của cả Hà Nội và TP HCM đều trong tình trạng dang dở trên vùng đất bán nông nghiệp; chỉ hoàn thiện một vài căn có vị thế đẹp rồi nằm... bất động chờ người đến thuê hoặc mua.
Để kích hoạt các tỉnh, thành phố đã cho phép chuyển nhượng dự án nhưng hình như vẫn chưa chủ đầu tư nào tìm được đối tác... Đứng trên góc độ quản lý, các cơ quan chức năng lại cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do giới đầu cơ đã đẩy giá đất lên “nóng” quá mức khiến các giao dịch bị tắc nghẽn suốt 2 năm qua.
Ấm lên nhờ WTO và nhu cầu thực
Thị trường bất động sản, nhất là cao ốc văn phòng cho thuê, đang hứa hẹn sôi động khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vốn mạnh vào thị trường này.
Mới đây, tập đoàn Kumho Asiana Hàn Quốc tái khởi động lại dự án đã ngưng từ năm 1997 (tòa nhà Asiana Plaza, có cao ốc cao 32 tầng với 260 căn hộ và khu căn hộ cho thuê cao 21 tầng).
Đại diện của Indo China Land (phân nhánh của Indochina Capital) vừa khẳng định sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào các dự án tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Côn Đảo (hầu hết là khu nghỉ dưỡng hoặc cao ốc văn phòng cho thuê).
Sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài tới thị trường bất động sản còn thể hiện qua việc nhiều đoàn doanh nghiệp từ Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Singapore... đến Việt Nam để tìm hiểu.
Điều này cũng trùng với tính toán của các chuyên gia kinh tế khi cho rằng: Trong ít năm tới, nhu cầu nhà ở của người dân Việt Nam sẽ tăng từ 6 - 7% và giá đất tại TP HCM, Hà Nội sẽ tăng theo.
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện trong chiếc bình thông đáy “chứng khoán - bất động sản - vàng, USD”, giới đầu tư hiện tại chỉ đổ xô quan tâm tới cổ phiếu như mục tiêu số 1.
Tuy nhiên, với việc số lượng các giao dịch ngầm đang ngày một tăng (sát giá thị trường hơn) cũng như việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến các dự án bất động sản, các chuyên gia cho rằng, thị trường trong năm 2007 có thể sẽ bước qua tình trạng băng giá và trở lại sôi động một cách từ từ, bền vững.
(Theo Tiền Phong)