Thời điểm bắt đầu từ đầu năm 2011, khi mà giá căn hộ tại nhiều khu vực bắt đầu giảm nhẹ rồi lao dốc trong những tháng cuối năm.
Sau gần 2 năm trầm lắng, thị trường căn hộ Hà Nội gần như đóng băng giao dịch. Nhận định về thị trường nhà Hà Nội tính đến tháng 7-2012, các chuyên gia của Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường nhà Hà Nội hiện vẫn tiếp tục xu thế giảm giá...
Thời điểm bắt đầu từ đầu năm 2011, khi mà giá căn hộ tại nhiều khu vực bắt đầu giảm nhẹ rồi lao dốc trong những tháng cuối năm. CBRE nhận định, thị trường rất có thể đang ở rất gần “đáy” sau một thời gian dài tụt dốc thê thảm.
Cũng theo CBRE, sau hàng loạt động thái tích cực của cơ quan quản lý, trong đó nổi lên là việc liên tiếp hạ lãi suất của ngành ngân hàng từ 14% xuống còn 9% chỉ trong 3 tháng, đã tác động ít nhiều đến giới đầu tư lẫn khách hàng có nhu cầu mua bất động sản. Tỷ lệ người quan tâm, tìm hiểu thông tin, hỏi mua căn hộ, nhà đất cũng đã tăng nhất định trong một vài tháng trở lại đây. Đặc biệt là việc nhiều ngân hàng cùng áp lãi suất cho vay mua nhà ở mức 16%, bằng với lãi suất hai năm trước khi thị trường rơi vào suy thoái đã tạo cơ hội cho người mua nhà hiện thực hóa mơ ước của mình.
Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế như lạm phát hạ nhiệt, giá nhiều mặt hàng giảm cũng đã tạo cơ hội cho thị trường bất động sản có cơ hội phục hồi sớm hơn.
Có ý kiến cho rằng, “đáy” đã gần nhưng giá căn hộ tầm 20triệu/m2 vẫn còn quá cao so với khả năng chi trả người dân. Với chỉ số giá nhà bằng 26 năm thu nhập, thì chuyện không bán được nhà là dễ hiểu và nếu có 20 tỷ đồng thì nhiều người sẽ mua một căn hộ ở khu Victoria-London chứ không phải ở Hà Nội (!).
"Đáy quá cao" của chúng ta hình thành do giá đất cao, thủ tục hành chính phức tạp, lãi suất ngân hàng cao. Sau cùng mới là sai lầm trong kinh doanh của các công ty bất động sản (BĐS). Lúc này rất cần có những điều chỉnh chính sách đất đai để gỡ khó cho thị trường và đưa giá BĐS về giá trị thực.
Thậm chí, có ý kiến dự đoán giá BĐS của Hà Nội còn xuống nữa (từ 30% đến 60%) thì mới có thể gọi là đáy. Và khi nhận định thị trường BĐS đang "rất gần đáy", "chạm đáy" thì các chuyên gia đưa ra nhận định này phải định nghĩa được như thế nào là “đáy”, chứ nếu không thì nói thế nào cũng… đúng cả. Có người nói vui, hôm trước báo chí nói thị trường BĐS đụng đáy, hôm nay lại nói "rất gần đáy". Vậy ngày mai liệu có "thủng đáy"?.
(Theo Báo Công lý)