Theo đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) trong tháng 3 đã có chuyển biến tích cực, dù chưa rõ rệt. Nhiều người cho rằng, có thể trong tháng 4 này, tình hình sẽ ấm lên.
Theo đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) trong tháng 3 đã có chuyển biến tích cực, dù chưa rõ rệt. Nhiều người cho rằng, có thể trong tháng 4 này, tình hình sẽ ấm lên.
Ông Ngô Đình Hãn, Giám đốc kinh doanh Sàn giao dịch BĐS ACB, cho biết thị trường BĐS TP HCM nói chung từ sau Tết Nguyên đán vẫn ổn định, chưa có sự đột phá. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần gần đây đã có tín hiệu tốt hơn, người tìm mua nhiều hơn và giao dịch tăng khoảng 15 - 20% so với tháng 2. Đa số khách hàng là người có nhu cầu mua để ở, rất ít nhà đầu tư. Đây cũng là trạng thái của thị trường Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hà Nội, cho biết khoảng nửa tháng nay, lưu lượng khách ghé thăm các sàn giao dịch BĐS bắt đầu tăng trở lại. Đặc biệt tại các khu vực trên đường Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long, Hà Đông, Đông Anh, Sóc Sơn,... dù lượng giao dịch thành công chiếm tỷ lệ không nhiều, nhưng điều này cho thấy tâm lý rút vốn từ các ngân hàng để đầu tư vào BĐS bắt đầu xuất hiện trở lại.
Hiện những phân khúc được quan tâm nhiều là căn hộ giá trung bình, nhà đất khu dân cư, nhà phố nội thành… có giá trị thanh toán thấp. Những dự án đang có giao dịch khá như: căn hộ An Bình (Q.Tân Phú, TP.HCM), Lê Thành Twin Towers (Bình Tân, TP HCM); Văn Phú, Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), KĐT Việt Hưng (Q.Long Biên, Hà Nội) hay chung cư An Bình (Từ Liêm, Hà Nội)…
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Phó giám đốc Siêu thị Dự án, Công ty CP BĐS Thế Kỷ, cho biết lãi suất giảm, chứng khoán khởi sắc là một dấu hiệu tốt cho thị trường BĐS, lực cầu đã được đẩy lên. Có khả năng giá BĐS sẽ không giảm nữa trong khi lãi suất tiền gửi thấp nên người dân quyết định rút tiền tiết kiệm để mua nhà.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia BĐS, phản ứng của thị trường ở phía Bắc và phía Nam với chiều hướng lãi suất hạ không đồng nhất. Với phía Nam, theo dự báo, lãi suất chỉ hạ 1% sẽ không làm biến chuyển nhiều mặt bằng giá BĐS vốn đang ổn định ở mức thấp. Hà Nội khó đoán hơn.
Từ cuối năm 2011, sau khi Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường BĐS của Thủ tướng Chính phủ ban hành, đà giảm của hầu hết các phân khúc bắt đầu chững lại. Mặc dù vậy, do tình trạng vỡ nợ tín dụng đen ngày càng phức tạp khiến sức ép bán đẩy, bán tháo BĐS trở nên lớn. Chính vì thế những tháng đầu năm 2012, giá đất nền tại nhiều khu vực của Hà Nội đã liên tiếp lao dốc.
(Theo Đất Việt)