Theo ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế
Trung ương, tầm nhìn 2015 là sáng sủa đối với thị trường bất động sản.
Theo ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tầm nhìn 2015 là sáng sủa đối với thị trường bất động sản.
Ông Chung nhận định, từ 2012 đến 2015 chắc chắn sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh thị trường. Một số chủ thể sẽ rời bỏ thị trường, một số chủ thể mới sẽ tham gia thị trường. Thị trường sẽ tiếp tục đi ngang hoặc đi xuống chút ít trong năm 2012 và đi lên từ cuối 2012 và đạt đỉnh khoảng cuối 2014 đầu 2015. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó, thị trường bất động sản phải vượt qua được sức ỳ của quá trình chuyển giai đoạn từ tiền tệ hóa lên tài chính hóa.
Tại hội thảo “Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản năm 2012”, ông Chung đã đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường bất động sản năm 2012 và xu hướng đến 2015.
Kịch bản thứ nhất, là kịch bản khó xảy ra nhất nhưng được mong muốn nhất, đó là thị trường khởi sắc. Điều kiện của kịch bản này là tình hình kinh tế thế giới ổn định, các nước đồng tiền chung châu Âu vượt qua khỏi khủng hoảng nợ công. Đó là tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tốt đẹp, tăng trưởng cao, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, lãi suất về mức 10%/năm. Một số công cụ tài chính bất động sản ra đời, chẳng hạn quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm tương hỗ,… Khi đó, thị trường sẽ qua điểm đáy và khởi sắc vào tháng 8 âm lịch. Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2012 sẽ là giai đoạn thử lửa, sàng lọc các doanh nghiệp bất động sản. Một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tài chính hóa thị trường bất động sản bắt đầu. Tuy nhiên, vì giả định có nhiều yếu tố tốt đẹp cùng xảy ra nên khả năng có phương án này là thấp.
Kịch bản thứ hai, kịch bản không ai mong muốn xảy ra nhất, đó là không có bất cứ điều gì của kịch bản một xảy ra. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn lớn. Thị trường sẽ suy giảm trầm trọng. Có thể có một làm sóng xấu sẽ xảy ra, các dự án sẽ tiếp tục bị ngừng trệ. Nhiều công trình sẽ tiếp tục bị đóng băng. Nếu kịch bản này xảy ra, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ rời bỏ thị trường bất động sản và thị trường bất động sản sẽ cần một thời gian khá dài để tái phục hồi.
Kịch bản thứ ba, kịch bản dễ xảy ra nhất. Đó là tình hình sẽ tiếp tục như hiện nay. Các chính sách tiếp tục được nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động cầm chứng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hy vọng, một số nhà đầu tư sẽ thu hẹp sản xuất.
Đồng thời, ông Chung cũng đưa ra nhiều kiến nghị để cứu thị trường bất động sản trong hoàn cảnh hiện nay. Về phía cơ quan Nhà nước, bên cạnh hàng loạt những kiến nghị của các cơ quan hữu quan về các giải pháp ngắn hạn như: Nhà nước mua những bất động sản giá vừa phải; hình thành các quỹ tiết kiệm bất động sản; … cần thực sự coi trọng việc hình thành đồng bộ các chính sách phát triển thị trường bất động sản, nhất là các chính sách về tài chính liên quan đến bất động sản. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét đưa vào nghiên cứu chính sách thuế bất động sản.
Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tái cấu trúc danh mục đầu tư cho phù hợp với quy mô, năng lực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải huy động tối đa khả năng nhân tài vạt lực của doanh nghiệp để hoàn thành những dự án dở dang nhằm thu hồi những nguồn lực đang đầu tư phục vụ những công trình trong thời giant rung hạn.
Với các nhà đầu tư tiềm năng, ông Chung cũng đưa ra lời khuyên cần cơ cấu lại danh mục đầu tư, chọn những dự án hiệu quả để đầu tư, cắt lỗ những dự án không hoàn thành, tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho chu kỳ mới. Đặc biệt, những nhà đầu tư đã thắng lợi ở thị trường chứng khoán, nên chăng, chuyển tiền sang thị trường bất động sản lúc này sẽ giành được thắng lợi trong tương lai không phải 25% mà có thể là 2,5 lần. Tuy nhiên, sự gống và khác nhau của thị trường bất động sản và chứng khoán, đã được nhiều nghiên cứu cũng như thực tế chỉ ra, đó là khả năng tham gia vào và rút khỏi thị trường là rất khác nhau. Đó là sự khác nhau về thời gian, về tiềm năng và về quyết định đầu tư.
H.N