Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản ngắn và trung hạn chưa thể có sóng.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản ngắn và trung hạn chưa thể có sóng.
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng dâng cao và nhiều chủ đầu tư bằng vốn vay đang bị áp lực lãi suất đè rất nặng. theo các chuyên gia, thị trường ngắn và trung hạn chưa thể có sóng.
Các chuyên gia cho rằng, tất cả các yếu tố: lãi suất ngân hàng khá cao, thị trường chứng khoán chưa thực sự lạc quan và giá vàng vẫn khiến nhà đầu tư chóng mặt... không đủ căn cứ để có thể dự đoán dòng tiền chuyển sang bất động sản - chuyên gia nghiên cứu tài chính, TS Phạm Kinh Luân cho biết.
Thời điểm rủi ro
Một số DN cho biết, lãi suất vay vốn hiện nay khoảng 16,5% song cộng thêm phí quản lý tài sản tương đương lãi suất 1,5%, phí thẩm định tài sản... tính ra tới trên dưới 20%. Một số DN khác lại cho hay, mỗi lần giải ngân vốn vay hiện nay lãi suất lại tăng thêm một ít. chính vì vậy việc vay vốn để đầu tư khiến các DN phải vay nhiều và vay đầu tư dài hạn có nguy cơ “lỗ”. Tuy vậy để vay được vốn trong thời điểm hiện tại cũng không phải dễ, DN phải đặc biệt có uy tín và có tài sản “ngon lành” để thế chấp.
Việc khó khăn về vốn nêu trên không phải chỉ với các DN, nhiều nhà đầu tư cá nhân trong lĩnh vực bất động sản cũng “chùn tay”. Nguyên nhân đơn giản là hàng loạt DN bất động sản đang “tung hàng” ồ ạt trong khi chưa ai dám chắc thị trường sang năm 2011 sẽ ra sao.
Anh Nguyễn Đức Thắng, một nhà đầu tư cá nhân sau khi mua 2 căn chung cư tại một dự án đang xây dựng ở phía Nam – Hà Nội, đoạn qua Giáp Bát và bán chênh thêm được 1,5 triệu đồng/m2 cho biết, hiện tại có lẽ không ngoan nhất là tiếp tục mua ra một số khu vực ngoại vi trung tâm, là những khu vực mới và có khả năng lên giá trong dài hạn, những dự án đã bị mua đi bán lại qua nhiều nhà đầu tư tuyệt đối không nên “động vào” đặc biệt vay vốn để đầu tư tại thời điểm này rủi ro rất cao, anh Thắng cho biết.
Đầu tư ngoại nghe ngóng
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tới gần hết năm 2010, cả nước có 833 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 12,1 tỷ USD, bằng 73,7% so với cùng kỳ năm 2009. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục đà suy giảm, so với năm 2009 FDI vào bất động sản đạt 7,6 tỷ USD, trong khi đó 11 tháng 2010 mới chỉ đạt 2,85 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài có vẻ vẫn đang nghe ngóng mà chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có tăng trưởng lớn. Trong khi đó, nền kinh tế Châu Âu cũng đang chịu những tác động rất lớn từ cuộc khủng hoảng nợ. Citigroup mới đây đã phát đi cảnh báo về nguy cơ có thể sụp đổ nền tài chính châu Âu nếu các quốc gia không có biện pháp đối phó kịp thời. Tình hình nói trên khiến các nguồn vốn đã khan hiếm lại càng trở nên khan hiếm hơn.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thị trường hiện chưa thể có sóng. Nhận định trên bắt nguồn từ thực tế thị trường suốt 2 năm qua. Từ nửa cuối năm 2008 thị trường sụt giảm mạnh, đến hết quý I/2009 vẫn đóng băng. Quý II/2009 thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại song tới quý III/2009, tại khu vực Hà Nội có sự tăng giá mạnh ở tất cả các mảng thị trường nhà ở (tăng khoảng từ 15% đến 20% so với quý II/2009). Cuối quý I và đầu quý II/2010 giá cả bất động sản được đẩy lên cao, tăng bình quân 30%, có khu vực tăng hơn 40% so với quý IV/2009. Chính vì vậy sau đợt tăng giá nói trên và trong bối cảnh “vốn liếng” không sung túc như hiện nay thì sóng không thể nổi trên thị trường bất động sản nếu không nói là sẽ lặng.
Cơ hội thu hẹp
Ước đến hết 31/12, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản đạt khoảng 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, lượng tín dụng bơm vào bất động sản đang rất lớn. Điều này chứng tỏ áp lực lãi suất đè lên các nhà đầu tư bất động sản sẽ là rất lớn. Và cơ hội cho các nhà đầu tư thu hẹp, chỉ rộng mở với các nhà đầu tư có vốn tự có.
Đối với các nhà đầu tư kinh doanh, theo bà Trần Thị Phương Loan giám đốc Cty CP đầu tư bất động sản Thăng Long, nếu quyết định đầu tư thời điểm này thì phải xác định đầu tư lâu dài, thời hạn có thể phải khoảng cuối năm 2011 mới là thời điểm thị trường khởi sắc. Bởi theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong năm 2010 thị trường BĐS Việt Nam có thể nóng ở nhiều địa phương, đặc biệt ở Hà Nội, khi mà Bản Quy hoạch chung của các khu đô thị sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua. Bởi khi đã có quy hoạch mới, nhiều dự án sẽ được cấp phép, được giải tỏa và đi vào xây dựng triển khai.
Tuy vậy, những bài học từ hiện tượng bất thường kiểu bong bóng xuất hiện trên thị trường BĐS năm 2009, đòi hỏi nhà đầu tư và người tiêu dùng phải có cách nhìn nhận, tiếp cận và tư duy mới trên thị trường này. Bởi BĐS là thứ hàng hóa tương đối đặc biệt, không thể như vàng, ngoại tệ, lúc thị trường có nhu cầu cao thì có thể nhanh chóng đẩy nguồn cung lên dễ dàng.
Đối với ngắn hạn, cần hết sức cẩn thận lựa chọn và đặc biệt không nên lướt sóng bằng vốn vay.
(Theo DDDN)