Thị trường bất động sản Hà Nội từ đầu năm 2019 tới nay vắng bóng bóng đầu tư "lướt sóng". Không ít nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường Thủ đô sau khi chấp nhận bán cắt lỗ nặng.
Mới đây, anh Tuấn (ngụ tại Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) đã bán cắt lỗ 300 triệu đồng một căn hộ cao cấp vừa nhận bàn giao, thuộc dự án tọa lạc trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm). Trong 8 năm đầu tư nhà đất, anh Tuấn thường gặp việc mua rồi khó bán lại. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên anh chấp nhận bán cắt lỗ nặng căn hộ cao cấp.
Nhà đầu tư chia sẻ: "Thường các căn hộ cao cấp ở những dự án kém chất lượng có thể phải cắt lỗ. Nhưng dự án tôi mua có chất lượng rất tốt mà nay tôi phải rao bán chấp nhận cắt lỗ". Anh Tuấn sau khi bán căn hộ này đã quyết định xuống tiền đầu tư nhà thấp tầng và đất nền tại một số tỉnh phía Bắc.
Ngoài bán cắt lỗ, thanh khoản kém, nhà đầu tư cũng "vỡ mộng" về chất lượng dự án sau khi nhận bàn giao căn hộ. Do đó, họ không còn mấy mặn mà với phân khúc này. Với mục đích mua căn hộ để cho chuyên gia nước ngoài thuê, anh Minh xuống tiền tại một dự án cao cấp ở khu Tây Hồ. Thế nhưng, so với tiến độ cam kết, dự án chậm bàn giao gần 1 năm, chưa kể tiện ích còn bị xén bớt...
|
Nhà đầu tư "lướt sóng" không còn mặn mà với thị trường bất động sản Hà Nội.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Theo anh Sơn - môi giới địa ốc đang làm việc tại sàn Đất Xanh Miền Bắc, từ năm 2016 tới nửa đầu năm 20018, trong tổng số khách mua chung cư mà anh tư vấn, lượng người mua để đầu tư chiếm khoảng 30%. Tỷ lệ này cao hơn tại những dự án có giá tốt. Thế nhưng, tỷ lệ khách mua đầu tư giảm còn 5-10% kể từ cuối năm ngoái tới nay.
Anh Sơn cho rằng, lý do chính khiến nhà đầu tư địa ốc không còn mặn mà với phân khúc căn hộ là bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, giá bán quá cao, thanh khoản thấp và lãi kém. Thậm chí, nhiều trường hợp nhà đầu tư còn phải bán cắt lỗ nặng.
Môi giới này nhìn nhận: "Lòng tin của người mua nhà vào các chủ đầu tư xuống thấp do nhiều dự án chung cư vướng tranh chấp. Trong khi đó, các chủ đầu tư uy tín thì giá bán cao khiến khả năng lãi của nhà đầu tư giảm thấp".
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản, thị trường bất động sản Hà Nội từ đầu năm 2019 đến nay vắng bóng nhà đầu tư. Đáng chú ý, tình trạng đầu tư "lướt sóng" từ bất động sản Hà Nội sụt giảm mạnh. So với thị trường TP.HCM, lượng khách mua để đầu tư nhỏ lẻ và cho thuê cũng kém hiệu quả hơn. Chính vì vậy, nhà đầu tư Hà Nội ngại rót tiền vào kênh đầu tư bất động sản.
Báo cáo chỉ rõ, tỷ lệ hấp thụ trong quý 3/2019 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 3 năm trở lại đây. Đa số các giao dịch thành công đều là khách hàng có nhu cầu thực. Giá bán căn hộ trong bối cảnh thị trường không có nhiều nhà đầu tư cũng ổn định hơn, so với năm ngoái chỉ tăng nhẹ và không biến động so với quý liền trước.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR), ông Lê Ngọc Quỳnh cho hay, đầu tư bất động sản Hà Nội hiện nay khó có lãi đậm bởi thị trường khan hàng, hơn nữa mức giá trước đó đã tăng cao. Tình trạng này cũng diễn ra ở phân khúc nhà giá rẻ khi thị trường không ghi nhận dự án mới nào kể từ đầu năm tới nay.
Tuy vẫn dễ kiếm khách nhưng căn hộ cho thuê hầu như không tăng trưởng về giá thuê trong thời gian qua. Nhà đầu tư không còn hứng thú với phân khúc này khi giá thuê không biến động, không tăng so với giai đoạn trước.
Trước thực trạng trên, nhà đầu tư chuyển hướng quan tâm thị trường tỉnh vùng ven Hà Nội và TP.HCM, nơi có biến động lớn về hạ tầng. Ông Quỳnh cho rằng, ưu điểm của những thị trường này là không cần dòng vốn quá lớn, thanh khoản tốt, thu lãi nhanh hơn.
Theo dự báo của Hội Môi giới Bất động sản, trong quý 4 năm nay, do nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng mạnh thời điểm cuối năm nên thị trường địa ốc tại các tỉnh như Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh,... so với quý 3/2019 sẽ khởi sắc hơn. Thị trường vùng ven TP.HCM như Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai... cũng hấp dẫn mạnh nhà đầu tư Hà Nội khi các dự án được phát triển mạnh mẽ.