TP HCM đã phát triển được khoảng 8,4 triệu m2 nhà ở, trong đó nhà ở do dân tự xây dựng là 7,4 triệu m2, nhà ở thương mại là trên 430 ngàn m2.
Chủ trương đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân là đúng đắn nhưng triển khai còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cả chủ quan và khách quan.
Mục tiêu của giai đoạn từ năm 2011 - 2015 Thành phố sẽ xây dựng thêm 39 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân sẽ khó đạt được nếu tình hình kinh tế vẫn ì ạch như thời gian gần đây.
Nhiều bất cập …
Trong năm 2011, TP HCM đã phát triển được khoảng 8,4 triệu m2 nhà ở, trong đó nhà ở do dân tự xây dựng là 7,4 triệu m2, nhà ở thương mại là trên 430 ngàn m2. Còn lại trên 500.000 m2 là nhà ở cho công nhân, nhà tái định cư, nhà cho cán bộ công chức và ký túc xá sinh viên... Như vậy trong năm vừa qua, Thành phố đã vượt chỉ tiêu đề ra gần 11%. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng theo dự báo của các sở, ban ngành và Hiệp hội BĐS Thành phố thì trong năm nay, ngành bất động sản sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức cam go hơn cả năm 2011.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố cho rằng, năm 2012 sẽ là năm cực kỳ khó khăn bởi rất nhiều yếu tố. Việc Chính phủ tiếp tục quản lý, thắt chặt tín dụng đối với ngành BĐS sẽ gây không ít khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng trong việc thanh khoản. Chính vì vậy để vượt qua thách thức trong thời gian tới, các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng cần phải cố gắng và tìm kiếm những kênh khác để huy động vốn…
Nói về những khó khăn và tồn tại của ngành BĐS của Thành phố trong thời gian qua cũng như sắp tới, ông Nguyễn Văn Danh- Phó Giám đốc sở Xây dựng Thành phố cho rằng: Qua nhiều năm phát triển, thị trường BĐS Thành phố ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, đồng thời góp phần quan trọng cho an sinh xã hội…
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập hạn chế trong lĩnh vực này như nhà ở phát triển mất cân đối, dư thừa nhà cao cấp, thiếu sản phẩm nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho thuê phù hợp với đại bộ phận dân cư. Năng lực của doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường, phần lớn đều có quy mô vốn nhỏ, chưa chuyên nghiệp nên làm liều đi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, từ đó đẩy giá nhà ở tăng qúa cao so với thu nhập trung bình của người dân và so với mặt bằng chung của thế giới.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, một số yếu tố cũng rất quan trọng, đó chính là tính minh bạch của thị trường BĐS còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Hiện nay, vai trò điều tiết của Nhà nước trong lĩnh vực này vẫn chưa được phát huy, sự tham gia còn khiêm tốn và mờ nhạt, chưa tương xứng với vai trò, vị trí.
Đặc biệt là các chính sách ưu đãi với chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội hiện nay chưa thật khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nên các doanh nghiệp chủ yếu chỉ tập trung xây dựng nhà thương mại, rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vì thời gian thu hồi vốn lâu, lợi nhuận lại ít… Chính vì vậy, mục tiêu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân dầu người của Thành Phố là 17m2 không hề đơn giản.
Le lói niềm hy vọng
Có thể nói dù đang gặp vô cùng khó khăn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì ngành BĐS tại TP HCM vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Thứ nhất, nhu cầu thực về nhà ở của người dân Thành phố là rất lớn và có xu hướng tăng mạnh bởi dân số của Thành phố ngày một đông. Thứ hai, quỹ đất của Thành phố cho phát triển nhà ở cũng còn rất lớn. Thứ ba, tình trạng xuống cấp và thiếu thống nhất, đồng bộ do quy hoach trước đây đã làm cho nhiều khu vực trở nên cũ nát và vô cùng lộn xộn cần được chỉnh trang và kiến tạo lại. Thứ tư, về chính sách tài chính và pháp luật hứa hẹn nhiêu thay đổi giúp cho ngành BĐS có thêm nhiều cơ hội, nhất là dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và nhanh chóng trong các khâu thủ tục hành chính…
Theo ông Lê Hoàng Châu, trong thời gian tới, Thành phố có chủ trương mua lại những căn hộ của các dự án phù hợp với chương trình tái định cư của Thành phố. Ông Châu nhấn mạnh: “Thành Phố sẽ không lợi dụng khó khăn của doanh nghiệp để ép giá, mà Thành phố hứa sẽ mua lại với giá làm sao để doanh nghiệp có lãi. Đây là một tín hiêu vui với các doanh nghiệp BĐS, vì nó vừa giúp các doanh nghiệp có tiền để thanh khoản, vừa lại giải quyết được chương trình an sinh xã hội của Thành phố”.
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành BĐS trong thời gian tới, theo Sở Xây Dựng Thành phố, cần có những giải pháp như cần cải thiện tính minh bạch của thị trường BĐS bằng cách hình thành trung tâm thông tin và dự báo thị trường BĐS, công khai quy hoạch xây dựng, công bố công khai các dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu, đấu giá một cách minh bạch… và cả trong xây dựng pháp luật về BĐS.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên trực tiếp tham gia phát triển quỹ đất sạch đối với những dự án xây dựng khu đô thị mới; hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng để phát triển các công cụ tài chính, tăng cường nguồn vốn cho thị trường BĐS; đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển quỹ nhà ở xã hội để đa dạng hóa hàng hóa BĐS./.
(Theo VOV)