Các chuyên gia đều cho rằng bầu Hiển phải thực hiện theo quy định, không thể tăng số tầng cho công trình xây dựng tại Lý Thường Kiệt.
Muốn làm cũng khó
KTS Trần Trọng Hanh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói thẳng, bầu Hiển muốn tăng số tầng cho công trình xây dựng tại mảnh đất số 31-33-35 Lý Thường Kiệt nhưng với diện tích khoảng 2.000m2 thì khó mà thực hiện được.
|
Vị trí đất vàng Bầu Hiển muốn xây công trình 13-15 tầng. |
Vị chuyên gia cho biết, khu vực thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm 88 ô phố, có quy mô khoảng 200,81ha, gồm nhiều tuyến phố giao cắt liên tiếp tạo thành các ô phố với nhiều công thự, biệt thự di sản và khoảng trống, cây xanh phải được bảo tồn.
Các công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn, các dãy nhà liền kề mặt phố phải được kiểm soát về chức năng, quản lý về trật tự xây dựng. Đặc biệt, về mật độ, chiều cao, tầng cao xây dựng tối đa, khoảng lùi quy hoạch tại khu vực này đều được quy định cụ thể.
Theo đó, chiều cao, khoảng lùi theo chiều sâu các lớp nhà, công trình xây dựng liền kề không được vượt quá đường giới hạn góc nhìn, xác định bởi điểm nhìn tại vỉa hè đối diện cao 1,5m và chiều cao tối đa lớp mặt phố.
Đối với phố, ngõ chiều rộng dưới 6m, công trình xây dựng lớp trước có chiều cao tối đa không quá 16m.
Như vậy, với diện tích hơn 2.000m2, nếu bầu Hiển cứ nâng chiều cao công trình lên 28m sẽ phải giữ được khoảng lùi là 6m.
Với diện tích khiêm tốn như vậy, dù bầu Hiển muốn cũng không thể đảm bảo được khoảng lùi cho dự án trên.
Theo vị KTS, ở đây không đơn giản chỉ là tăng chiều cao mà còn kéo theo rất nhiều những hệ lụy khác. Trong đó có vấn đề về quy hoạch, chất thải, cũng như những nguy cơ gây áp lực cho cơ sở hạ tầng, giao thông khu vực nội đô.
"Việc này đã được quy định rất rõ ràng và hoàn toàn nằm trong giới hạn chức năng, thẩm quyền của thành phố. Hà Nội nên thực hiện đúng vai trò quản lý của mình, không thể cái gì cũng đẩy lên thủ tướng như vậy là thiếu trách nhiệm, làm phức tạp thêm vấn đề", KTS Trần Trọng Hanh nói.
Đừng để dân nghi ngờ
Cũng cho rằng, vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, KTS Ngô Doãn Đức nói thẳng, không thể phá lệ cho bất kỳ một trường hợp cá biệt nào. Như vậy sẽ tạo dư luận không tốt, gây mất lòng tin trong nhân dân.
"Không nên để dư luận lại nghĩ có lợi ích, có bảo kê, có hiện tượng bao sân ở đây", ông Đức nói.
Theo ông Đức, nếu công trình không thuộc danh mục những dự án đặc biệt, thì không thể tạo tiếp tay, tạo suy nghĩ "vướng chỗ này là chạy chỗ khác, khó ở đây lại tìm tới chỗ khác để bấu víu, xin xỏ được. Như vậy là coi thường pháp luật".
Đồng tình với nhận định trên, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt - ông Trần Ngọc Hùng khẳng định "đã là quy định thì phải thực hiện".
"Tất cả các dự án, công trình xây dựng thuộc khu vực nội đô thành phố đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy hoạch đã được phê duyệt. Không cấn trừ một trường hợp nào.
Tôi không đồng ý cứ lấy lý do tạo điểm nhấn, xây dựng công trình văn hóa... để lách luật, làm lợi cho một nhóm người", ông Hùng kết luận.
Theo ông Hùng, nếu ai cũng lấy lý do tạo điểm nhấn để xin đặc cách thì xây dựng quy hoạch để làm gì.
"Tôi cũng không đồng ý với phát biểu cho rằng Hà Nội đã khống chế không xây quá 8 tầng thì lại xin lên Thủ tướng để quyết định.
Nói vậy thì vai trò của thành phố là gì? Quy định thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố tại sao lại cứ phải đẩy lên Thủ tướng?
Việc này không khác nào thành phố đang đùn đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng. Đây thực chất là một hình thức trốn tránh trách nhiệm", ông Hùng thẳng thắn.