Thời gian gần đây, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang mạnh mẽ trở lại với sự vào cuộc của cả nhà đầu tư ngoại và nội.
GS. Đặng Hùng Võ |
Phóng viên bất động sản đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ, chuyên gia cao cấp về bất động sản về vấn đề này.
- Thưa ông, thời gian gần đây dư luận nhắc nhiều đến việc bất động sản nghỉ dưỡng đang nóng trở lại, ông đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay?
- Theo tôi, hiện nay việc đầu tư vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.
Nhiều người vẫn cho rằng lĩnh vực đầu tư này đang gặp khó khăn, tuy nhiên tôi nghĩ rằng do các chủ đầu tư không biết cách làm, chúng ta lỡ đà vì làm cho bất động sản gắn chặt với đầu cơ nên đã dẫn đến những khó khăn nhất định.
Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản rơi vào tình thế ôm một lượng bất động sản lớn tồn đọng như hiện nay và vẫn chưa thể hóa giải được.
Như vậy, nếu chúng ta biết làm thì chắc chắn câu chuyện nó sẽ khác. Bởi thực tế, ngay cả khi thị trường khó khăn như thế này vẫn có những dự án bất động sản cao cấp đủ sức hấp dẫn, đủ sức để triển khai, thậm chí theo thông tin tôi được biết là thanh khoản bán cũng rất tốt.
Thực tế, tôi thấy rất nhiều dự án vẫn thu hút được khách hàng và tạo thanh khoản nhờ việc đưa ra những ý tưởng mới, táo bạo và độc đáo.
Điển hình là sự cố gắng của chủ đầu tư như: Syrena Việt Nam mới đây đã quyết tâm đưa mô hình phố cổ Hà Nội và Hội An về bên bờ Vịnh Hạ Long; Vingroup với việc tạo ra những quần thể hiện đại tầm khu vực…
|
Bất động sản nghỉ dưỡng đang nóng trở lại |
- Vậy việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là vào các dự án bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2014 thì sao thưa ông?
- Theo sự nhìn nhận của bản thân tôi, đầu tư FDI giai đoạn cuối năm 2014 sẽ mạnh mẽ hơn so với giai đoạn đầu năm.
Có thể nói, nguyên nhân đáng ngại nhất của nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam chính là những thủ tục pháp lý rườm rà.
Thế nhưng, theo dõi những thay đổi pháp luật của Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể thấy nhiều tín hiệu tích cực nhất là trong việc sau khi thay đổi hầu như không có luật nào bị bó hơn trước mà nó đều tạo ra sự cởi mở hơn.
Những nỗ lực trong việc cải thiện khung pháp lý và các chỉ số hành chính của Việt Nam đang được nhà đầu tư ngoại cũng đang đánh giá cao. Và dĩ nhiên nó đã và sẽ mang lại nhiều lợi thế cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Chính vì vậy, thời gian gần đây đã có rất nhiều nước đánh giá khá tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam và nguồn vốn FDI của chúng ta ngày càng tăng đáng kể.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về lợi ích đầu tư? Ở khía cạnh này, liệu rằng đầu tư bất động sản ở Việt Nam vẫn còn hấp dẫn?
- Theo dự đoán của tôi, trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đón nhiều dòng vốn mới với quy mô lớn hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Bởi xét về mặt lợi ích đầu tư, rõ ràng các nhận định đều cho thấy, Việt Nam vẫn đang là một quốc gia có nhiều tiềm năng kể cả về đầu tư bất động sản.
Có người nói Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn kinh tế và điều này sẽ gây khó cho việc đầu tư bất động sản, thế nhưng thực tế vẫn nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục đổ hàng tỷ đô vào các dự án và họ cũng đã bước đầu cho thấy những thành công.
Một minh chứng rõ nét cho điều đó chính là Lotte, một bất động sản thương mại vẫn đang được hình thành với quy mô lớn và cả tham vọng lớn nữa.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hồng Kông đã đăng ký đầu tư bất động sản nhà ở tại rất nhiều nơi trên nước ta.
- Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng chính của các nhà đầu tư ngoại hiện nay là tiến hành mua bán các dự án nhiều hơn là việc đầu tư mới?
- Nhìn vào thực trạng thị trường bất động sản của chúng ta hiện nay, có rất nhiều dự án rơi vào ách tắc, không có lối thoát và chúng ta không chủ động được sự phát triển đó. Vậy việc các nhà đầu tư ngoại tiến hành mua bán cải tạo các dự án đó, theo tôi là một xu hướng rất đúng đắn và đúng với quy luật.
Lý do thì có nhiều như cạn vốn, mặt hàng bị bão hòa… chúng ta thấy rằng nó đang tạo ra kho bất động sản tồn đọng khá lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vừa rồi thì thấy báo cáo có rút đi được một ít khoảng 10% hay 15% gì đó nhưng hiện con số tồn kho vẫn rất lớn.
Do đó, câu hỏi đặt ra là trước khi nói đến việc phát triển hay mở rộng hơn, chúng ta nên làm sao để giải quyết một lượng tồn kho lớn đến như vậy.
Nhà đầu tư ngoại vào mua dự án đó, nhận chuyển nhượng thậm chí sáp nhập công ty Việt Nam vào công ty của họ… Về bản chất, các hoạt động đó đang diễn ra theo đúng một quy luật mà người ta hay gọi là M&A.
- Đồng ý đó là quy luật tất yếu trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhưng dường như các dự án "xác chết" lại đang trở thành món khoái khẩu đối với nhà đầu tư ngoại, có lý do gì đặc biệt ở đây không, thưa ông ?
- Theo tôi nghĩ, trong lúc thị trường bất động sản trầm lắng với nhiều dự án mà báo chí đang gọi là "xác chết" đó, việc mua bán sáp nhập diễn ra sôi nổi hơn với sự vào cuộc của các nhà đầu tư ngoại là một quy luật tất yếu, chúng ta không thể làm khác được.
Bởi họ có tiềm lực kinh tế, trong khi các ông chủ cũ thì đang khó khăn, ngấp nghé bờ vực phá sản nên thương vụ sẽ rất dễ thành công.
Thậm chí theo thông tin tôi biết, nhiều nhà đầu tư ngoại còn mua được dự án với giá khá hời bởi các ông chủ cũ trong tâm lý giá nào cũng bán để nhanh thoát khỏi những vũng lầy đó.
Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư ngoại vào mua lại dự án, họ không hề phải mất tiền của và thời gian đầu tư dự án mới với nhiều loại thủ tục, thuế phí… khá lớn mà các báo cáo vẫn nêu lên.
Đặc biệt, các thủ tục hành chính nhiều khi cũng khiến cho dự án bị kéo dài thời gian hơn dẫn đến tốn kém thêm nhiều chi phí, ở nhiều dự án chính sự ách tắc trong thủ tục hành chính khiến cho dự án chết yểu…
Tiềm năng lợi nhuận cao và tránh được các thủ tục hành chính rườm rà, tốn thời gian chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhà đầu tư ngoại thích tìm đến những dự án "xác chết" hơn là đầu tư vào các dự án mới.
Đây có thể coi là cơ hội cho những người nhiều tiền đồng thời cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư đang bị giam tiền tại những dự án bị ách tắc vì những lý do khác nhau.
Xin cảm ơn ông!