Mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của khách hàng, song, giữa họ vẫn còn một khoảng cách lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm BĐS chững lại trong thời gian qua.
Mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của khách hàng, song, giữa họ vẫn còn một khoảng cách lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm BĐS chững lại trong thời gian qua. Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Lê Đức Hải – Chủ tịch HĐQT, TGĐ INT Group xung quanh vấn đề này.
Theo ông Hải, từ nửa cuối năm 2011 đến nay, thị trường BĐS chìm trong "bóng tối" bởi đã bộc lộ quá nhiều các yếu kém, hạn chế và tiêu cực của các sản phẩm BĐS. Trong khi thị trường đòi hỏi những sản phẩm tốt, trân trọng người sử dụng, thì hàng hóa BĐS lại được xây dựng không dựa trên giá thị thực mà có nhiều yếu tố phù phiếm, xa hoa đến lãng phí. Chính vì vậy, trong thời gian qua, người tiêu dùng rất khó lựa chọn được sản phẩm tốt với chi phí hợp lý.
- Ông có thể cho biết những khó khăn mà các nhà đầu tư BĐS phải đối mặt trong năm vừa qua?
Trong năm vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất đó là tính thanh khoảng của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS bị ngưng trệ, chi nhiều hơn thu dẫn đến tình trạng thiếu vốn. Thứ hai, vì nhiều lý do, các nhân sự giỏi rời bỏ doanh nghiệp, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Để dẫn đến tình trạng này là do cách làm ăn của nhiều doanh nghiệp BĐS từ những năm tháng trước. Những năm trước, nhân sự quản lý cấp trung gian làm ăn quan liêu, chưa thực sự cống hiến, còn nhân viên thì làm việc theo kiểu “chuồn chuồn chấm nước”. Nhưng trên hết là cách làm “ăn xổi”, làm BĐS theo kiểu “thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào” của các doanh nghiệp. Bởi không có sự đầu tư chiều sâu, yếu về nền tảng nên khi gặp khủng hoảng doanh nghiệp khó chống đỡ được, không kịp cơ cấu lại sản phẩm cũng như công ty.
- Có ý kiến cho rằng BĐS nghỉ dưỡng có đối tượng khách hàng riêng có thu nhập ổn định, nên không bị ảnh hưởng nhiều khi kinh tế suy thoái. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
BĐS nghỉ dưỡng, sinh thái là thị trường ngách, nó có đặc trưng riêng, có giá trị của một không gian sống riêng như thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, văn hóa cộng đồng đặc trưng và nó mang lại sự tái tạo sức khỏe và tinh thần cho con người. Đặc biệt các khách hàng miền Bắc coi BĐS nghỉ dưỡng là ngôi nhà thứ 2 của mình chứ không phải lưu trú như các khách hàng ở Đà Nẵng và khu vực phía Nam. Đối tượng khách hàng nghỉ dưỡng thường là người có công việc ổn định, tâm trí hướng nội, không tham gia sâu vào thị trường tiền tệ hay thị trường tài chính, có tích lũy riêng như giáo viên, bác sỹ, cán bộ công chức.... Với BĐS sinh thái, đối tượng khách hàng lại khắt khe hơn bởi các sản phẩm trong resort chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Với phân khúc các biệt thự đơn lẻ trên đồi đến nay đã bộc lộ quá nhiều hạn chế nên không còn được những khách hàng có kinh nghiệm, hiểu biết quan tâm nữa.
- Đầu năm 2012, một số dự án BĐS nghỉ dưỡng đã chào bán các sản phẩm căn hộ, biệt thự với diện tích nhỏ, ông đánh giá sao về xu hướng này?
Thời của BĐS xa hoa, lãng phí đã qua rồi. Hiện tại là thời của BĐS thực tế, vì vậy, lối tiêu dùng xa xỉ, lãng phí sẽ phải nhường chỗ cho xu hướng mới – đó là tiêu dùng các sản phẩm nhỏ hơn, rẻ hơn và xanh hơn. Theo tôi, sản phẩm BĐS xanh, nhỏ, rẻ sẽ là xu hướng tất yếu của cả thế giới và ở Việt Nam. Xanh không chỉ đơn giản là thiên nhiên xanh tươi mà là tất cả các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nguyên vật liệu xây dựng, công nghệ gia dụng làm sao cho gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Theo tôi, năm nay và các năm tới, sản phẩm BĐS sinh thái nói riêng và BĐS nói chung cần có chất lượng tốt hơn các sản phẩm năm 2011, 2010 và phải rẻ hơn, tiết kiệm hơn.
- Các sản phẩm sinh thái như vậy sẽ đem lại những lợi ích gì với chủ đâu tư cũng như là khách hàng, thưa ông?
Trước hết nó giải quyết nhu cầu và tiết kiệm cho xã hội. Việc chia các sản phẩm nhỏ khiến chủ đầu tư có thể bán được cho nhiều khách hàng khác nhau. Qua đó, khách hành sẽ có cơ hội mua thêm một ngôi nhà thứ hai phù hợp với điều kiện kinh tế tại các khu nghỉ dưỡng xanh, sạch, có không gian, có văn hóa cộng đồng và gần gũi với thiên nhiên. Sau khi nghiên cứu nhu cầu thực tế của khách hàng trong giai đoạn hiện nay, INT Group cũng đã bắt đầu đưa ra thị trường dòng sản phẩm này. Ngoài 3 yếu tố xanh, nhỏ, rẻ nói trên, các sản phẩm mới đưa ra thị trường của INT Group còn mang thêm yếu tố thú vị khác, đó là tính quý hiếm.
- Vậy theo ông, trong thời gian tới, xu hướng BĐS này sẽ phát triển mạnh ở khu vực nào?
Theo tôi, xu hướng này sẽ phát triển mạnh trong khu vực phía Nam bởi đây luôn là khu vực tiên phong, nhiều chủ đầu tư phía Bắc chưa kịp nhận ra và chưa thể tạo ra dòng sản phẩm này. Trái đất ngày càng bị thu hẹp bởi 6 – 7 tỉ dân, nó không thể đủ chỗ để chúng ta xây dựng và sinh sống mãi được. Chính vì vậy, xu hướng mới này sẽ được phát triển ngày càng mạnh trong tương lai, tuy nhiên theo tôi các sản phẩm xanh, nhỏ rẻ sẽ phải hướng dần tới sự tinh tế, đẳng cấp thì mới thu hút được khách hàng.
- Theo ông, vì sao các nhà đầu tư nước ngoài thường "nhắm" vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng phía Nam?
Nhà đầu tư nước ngoài họ thường hướng tới sinh thái biển và biển trong khu vực phía Nam thì có thể khai thác quanh năm và phát triển mạnh. Miền Bắc có đủ 4 mùa nên có những hạn chế nhất định, tuy nhiên vào mùa đông có những nét đẹp, thu hút khách mà miền Nam không có. Người nước ngoài hướng đầu tư vào phần dễ trước, phần khó sau. Sinh thái biển dễ làm hơn là sinh thái núi, bởi đến với biển tức là đến với sự rộng lớn bao la. Sinh thái núi khó làm hơn, song, lại có những điểm rất riêng bởi khi về với núi rừng, con người có cảm giác được gần gũi hơn với thiên nhiên. Mùa đông ở miền Bắc là sự khác biệt rõ ràng nhất đối với miền Nam, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài dường như chưa chú trọng đến điểm khác biệt này nên chưa tận dụng khai thác.
- Thời gian vừa qua các chủ đầu tư cũng trú trọng đến việc xây dựng các tiện ích như sân golf, sân tennis trong các khu nghỉ dưỡng sinh thái. Đó có phải là xu hướng mới nhằm bổ sung các giá trị sống không, thưa ông?
Một không gian sống sinh thái cần có đủ các chức năng, tiện ích đáp ứng nhu cầu của người sử dụng nên việc một số chủ dự án đầu tư xây sân tennis, sân golf trong khu sinh thái cũng nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay nhiều chủ đầu tư thường lượt bớt các nhu cầu, tiện ích này để giảm đầu tư, tăng lợi nhuận nên dẫn đến tình trạng nhiều khu đô thị, sinh thái sau khi có dân cư về sinh sống thì thiếu đủ thứ, rất bất cập.
- Theo ông, trong thời gian tới phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có thể có những điểm sáng nào?
Theo tôi, xu hướng BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới sẽ diễn biến khá tốt. Khách hàng của tôi họ nói rằng “làm ra một cái áo chứ đến 4 cái áo vẫn cứ rách vì chật”, nghĩa là nhu cầu BĐS sinh thái rất cao và đa dạng. Vấn đề ở chỗ, các chủ đầu tư có thực sự làm cho khách hàng thực sự thỏa mãn nhu cầu hay không, có thể tạo ra được các sản phẩm mà khách hàng mong muốn không. Thế giới cần triệt tiêu tất cả các loại lãng phí, chiết giảm các chi phí phi sản xuất và bán cho khách hàng cái họ cần. Tôi cho rằng, thị trường BĐS sinh thái còn rất nhiều cơ hội, nhu cầu ngày càng cao và sẽ phát triển trong nhiều năm tới.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo DDDN)