Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai nhận định: "Tình trạng nhiều biệt thự trị giá vài chục tỷ đồng trong các khu đô thị mới không được sử dụng là minh chứng cho thấy rõ rằng chúng ta chưa có giải pháp chống đầu cơ đất đai".
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai nhận định: "Tình trạng nhiều biệt thự trị giá vài chục tỷ đồng trong các khu đô thị mới không được sử dụng là minh chứng cho thấy rõ rằng chúng ta chưa có giải pháp chống đầu cơ đất đai".
Năm năm phát triển, chỉ 10% số biệt thự có người ở
Nằm bên trục đường Thăng Long- Nội Bài, cách nội thành Hà Nội khoảng hơn 20km, dự án Khu biệt thự Quang Minh (xã Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) được rao bán từ cuối năm 2003 đầu năm 2004. Chỉ mấy tháng kể từ thời điểm rao bán, hầu hết trong số hơn 300 lô đất biệt thự của dự án đã có chủ.
Năm 2006, khu biệt thự có diện tích khoảng 40 ha này đi vào hoạt động, nhưng hiện "tỷ lệ người dân đến ở chỉ chiếm khoảng 10%"- Ông Lê Huy Giáp, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác dự án của Cty Long Việt - đơn vị chủ đầu tư xác nhận.
Xây xong phần thô đã lâu nhưng không người ở nên nhiều căn bị cỏ mọc đầy, khuất lấp cả lối vào. Những ngày cuối năm này, khu biệt thự Quang Minh trở nên hoang vắng hơn, đi mỏi chân chẳng thấy bóng người. Vậy nhưng giá đất ở đây không dưới 23 triệu đồng/m2 mà còn khó mua- một vài người dân sống cạnh khu biệt thự này cho hay. Tính ra mỗi căn trung bình khoảng 300m2, giá gần 7 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giá gốc.
Ngay tại Linh Đàm, khu đô thị mới ra đời sớm nhất của Hà Nội, người ta dễ thấy nhiều lô mọc rêu, cỏ leo lên tận đỉnh biệt thự.
Điển hình là khu X2- Bắc Linh Đàm, sau 8 năm đi vào hoạt động, đếm sơ sơ vẫn còn khoảng 40 biệt thự "bỏ hoang" bị biến thành nơi đổ rác, phế liệu. Biệt thự nào chủ nhân quan tâm hơn thì được bịt kín lối ra vào bằng gạch mộc.
Có trường hợp người dân thấy để hoang phí lâu quá, họ tận dụng mở cả quán nước nơi cửa ra vào mảnh đất. Nhân viên Văn phòng nhà đất Quang Vinh (ki ốt số 2- CT4A -X2 - Linh Đàm) nói: Toàn của đại gia cả đấy, họ thừa tiền mà, được giá thì bán không thì cứ để đấy. Những biệt thự này hiện có giá từ 25 đến 30 tỷ đồng/ căn. "Bèo nhất thì cũng khoảng 80 triệu đồng/m2, còn không nếu vị trí đẹp giá khoảng 130 triệu đồng/m2"- nhân viên này thông tin.
Tại đô thị Mỹ Đình I , Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm), nơi được coi là khu đất vàng phía tây nam Hà Nội, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động cũng có vài chục lô đất nền cùng biệt thự chưa sử dụng loang lổ tông màu nâu nhám của những mảng tường gạch lâu ngày chưa được trát.
Đất ở đây đắt hơn cả khu Linh Đàm, giá khoảng 150 triệu đồng/m2, so với giá gốc chủ đầu tư bán ra trước đây đã tăng gấp 10 lần. Đáng lưu ý là hầu hết số biệt thự trên đều có hai mặt tiền mà theo nhận định của giới đầu cơ, chủ nhân của nó không chỉ có tiền mà phải có quyền mới ngay từ đầu sở hữu được những căn vị trí đẹp như vậy.
Công cụ chống đầu cơ bị bỏ ngỏ
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho rằng, hiện tượng trên cho thấy tình trạng đầu cơ đất đai tại Hà Nội rất lớn.
Theo ông Chính, không phải đơn giản người ta lại để chết mấy chục tỷ đồng trong mỗi căn biệt thự như vậy. Điều hết sức nguy hiểm là trong một thời gian dài, chúng ta để cho nhiều người hiểu rằng không đầu tư gì có lãi bằng đầu tư bất động sản. Tâm lý này đến nay vẫn hiện hữu trong số đông dân cư.
Thực tế cho đến nay, sắc thuế về sử dụng đất phi nông nghiệp của chúng ta có vấn đề. Không một ai phải "sợ" vì đang sở hữu quá nhiều đất. Các công cụ chống đầu cơ đất đai ở đô thị đang bị bỏ ngỏ.
"Ở nhiều nước, việc áp dụng thuế lũy tiến sử dụng đất rất hiệu quả trong chống đầu cơ bằng cách đánh thuế thật nặng phần vượt quá diện tích đất được sử dụng, khiến người có nhiều đất buộc phải bán chứ không có chuyện để hoang phí như ở ta"- Ông Chính nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ mua nhà đất thực sự để ở hiện nay ở Hà Nội chỉ chiếm khoảng 20% trong các giao dịch.
"Những người có khoảng 10-15 tỷ đồng nhảy vào mua nhà đất chờ tăng giá để kiếm lời rất lớn. Đây chính là lực lượng chủ yếu làm khuynh đảo thị trường bất động sản thời gian qua, bởi xét cho cùng thì mua bất động sản cũng là một kênh đầu tư"- Ông Minh nói.
Theo ông Minh, bản thân ông cũng không hiểu tại sao giá đất không chỉ trong các khu đô thị mới mà ngay cả nhiều nơi mới mở rộng của Hà Nội lại cao ngất ngưởng như vậy. " Giá đất hiện nay có liên quan đến hiện tượng đầu cơ găm giữ nhà đất. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ rất nguy hiểm vì chứa đựng nhiều rủi ro"- Ông Minh khẳng định.
Tình trạng hàng loạt biệt thự không được sử dụng còn gây mất mỹ quan khu đô thị mới. Tuy nhiên, đối với chủ đầu tư việc duy nhất mà họ có thể làm là nhắc nhở chủ sở hữu nhanh hoàn thiện để đưa vào sử dụng. "Nhưng người đứng tên mua bán với chủ đầu tư trước đây chưa hẳn là người đang sở hữu thực tế vì những biệt thự này có khi được mua đi bán lại nên chẳng thấy chủ hồi âm", lãnh đạo ban Quản lý dự án khu vực 2 của Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị cho hay.
(Theo TPO)