Sở Xây dựng Bình Dương vừa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam -
Chi nhánh tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị triển khai các Thông tư của
Bộ xây dựng và Ngân hàng nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP
của Chính phủ.
Sở Xây dựng Bình Dương vừa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị triển khai các Thông tư của Bộ xây dựng và Ngân hàng nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 08/3/2013 Hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ và Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 Hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP; Cùng đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 Quy định về việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Ông Trần Khắc Thạch, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Do tình hình biến động và suy thoái kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến việc đầu tư và phát triển của thị trường BĐS trong nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, việc triển khai các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội bị chậm lại. Nhiều dự án đã đăng ký nhưng không triển khai, các dự án đã triển khai thì không hoàn thành đúng tiến độ, trong đó nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư các dự án hạn chế về năng lực tài chính, không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để triển khai tiếp, dẫn đến việc giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân trong thời gian qua không bảo đảm về số lượng và tiến độ theo chương trình, đề án, kế hoạch đã đề ra.
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết ngoài các quy định theo Thông tư của Ngân hàng nhà nước thì Ngân hàng nhà nước cũng đang soạn thảo quy trình để bảo đảm vốn vay cho các ngân hàng. Bởi khách hàng vay vốn để mua nhà ở xã hội là những người có thu nhập thấp và không ổn định. Do đó, việc xác định nguồn thu nhập để trả nợ vay là tương đối khó khăn và rủi ro phát sinh từ những khoản vay này tương đối lớn. Theo quy định thì nhà ở xã hội không được chuyển nhượng trong thời gian 10 năm. Chính vì vậy để đảm bảo nguồn vốn thì ngân hàng sẽ bán căn hộ của khách hàng khi khách hàng không đủ khả năng chi trả cho chính chủ đầu tư để chủ đầu tư bán lại cho đối tượng khác theo quy định.
Bên cạnh đó, ông Võ Thanh Bình, Phó cục trưởng cục thuế Bình Dương cũng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực BĐS biết thêm thông tin là tiền sử dụng đất được nộp theo tiến độ bán hàng. Riêng nhà ở xã hội thì được giảm 50% thuế đầu ra và nhà nhỏ dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu thì cũng được giảm 30% thuế.
Đồng tình với những chính sách của các cơ quan chức năng thông tin, đại diện công ty Nam Long còn băn khoăn về Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước. Theo Thông tư 11 quy định đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội phải là những người có hộ khẩu hoặc ký tạm trú có đóng bảo hiểm 1 năm trở lên tại địa phương tạm trú. Vậy những người ở Sài Gòn mà làm việc tại Bình Dương phải thường xuyên đi về thì nhóm đối tượng này lại vô tình bị loại ra khỏi chính sách theo Thông tư 11. Vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách để giúp cho nhóm đối tượng này được mua nhà ở xã hội tại Bình Dương…
Theo Baoxaydung