Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Trịnh Đình Dũng: rất cần sự vào cuộc của các hiệp hội tham gia xây dựng thể chế
chính sách
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: rất cần sự vào cuộc của các hiệp hội tham gia xây dựng thể chế chính sách
Ngày 11/1/2011, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với các hiệp hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để bàn những giải pháp nâng cao vai trò và sự tham gia của các hội đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển của ngành. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc làm việc với tham gia của 19 hiệp hội nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Nhấn mạnh vai trò, những đóng góp của các hiệp hội đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển chung của Ngành, Bộ trưởng khẳng định: Bộ rất cần sự vào cuộc tích cực của các Hội nghề nghiệp, sẵn sang nghe những ý kiến đề xuất, phản biện, kể cả những ý kiến trái chiều để cùng thảo luận, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển… Bộ rất quan tâm và mong muốn thường xuyên nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Bộ trưởng cũng khẳng định: Thời gian vừa qua việc xây dựng, hoàn thiện các Nghị định, quy hoạch, chiến lược của ngành Xây dựng được thực hiện công khai, dân chủ, tranh thủ tối đa sự đóng góp không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà của cả xã hội. Bộ rất mong sự nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, sẵn sàng đối thoại trong quá trình xây dựng chính sách để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả…
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS VN cho rằng, với những khó khăn của ngành Xây dựng năm 2012, chúng ta có điều kiện để đánh giá lại toàn bộ cơ chế chính sách, nhìn nhận lại công tác quản lý nhà nước, cụ thể như thị trường BĐS có những vấn đề bất hợp lý cần phải khắc phục…Với tư cách đại diện cho hội nghề nghiệp, ông Vạn kiến nghị: Quá trình xây dựng luật pháp cần tiếp tục mở rộng, huy động sự tham gia ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học. Ông Vạn cũng kiến nghị một số vấn đề về xây dựng Luật Kiến trúc, quản lý hành nghề kiến trúc sư, thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, điều chỉnh chi phí tư vấn thiết kế kiến trúc…
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam đề xuất một số giải pháp về quản lý quy hoạch xi măng, điều tiết cung cầu thị trường và quản lý xuất khẩu vật liệu xây dựng… Trong khi đó ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng nhấn mạnh các kiến nghị về đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, thất thu lãng phí; đề xuất việc tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp trong quản lý hành nghề kỹ sư, các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Ngành…
PGS.TS Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị: cần thay đổi hệ thống pháp luật về đấu thầu. Theo đó không nên ban hành luật đấu thầu chung như hiện nay mà cần xây dựng và ban hành các Luật đấu thầu chuyên nghành như Luật đấu thầu xây dựng, Luật đấu thầu mua sắm hàng hóa, Luật đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư… Cần phải xây dựng một tài liệu thông tin về năng lực nhà thầu xây dựng Việt nam để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng...
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam mong muốn định kỳ Bộ có các buổi làm việc với các hội nghệ nghiệp, hoặc các cuộc họp phổ biến về các chủ trương chính sách mới của Bộ Xây dựng; Giao Hiệp hội BĐSVN một số đề tài nghiên cứu cũng như các khóa đào tạo phát triển nhân lực dựa trên thế mạnh của Hiệp hội; Phối hợp Hiệp hội trong việc triển khai Đề án xây dựng chỉ số thị trường BĐS… Hội Quy hoạch phát triển các đô thị VN cũng đề xuất Bộ Xây dựng cần đề xuất Quốc hội về việc nghiên cứu soạn thảo và ban hành Luật đô thị, trong đó tùy chức năng chuyên ngành của mỗi Bộ mà chịu trách nhiệm soạn thảo về lĩnh vực của mình, tránh tình trạng khi áp dụng Luật không đúng chức năng soạn thảo nên không sâu, không thực tế, khó khả thi…
Bên cạnh đó các Hội cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của các hội trong việc tham gia xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Đánh giá cao những ý kiến tham gia đóng góp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, những ý kiến tham gia của các hiệp hội đều là những vấn đề Bộ Xây dựng đang rất quan tâm xem xét để giải quyết. Bộ Xây dựng rất hoan nghênh và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các hội nghề nghiệp. Bộ cũng sẽ nghiên cứu, tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với các chuyên gia, các hội nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, có thể làm việc trực tiếp với từng nhóm hội/hiệp hội hoặc nhóm chuyên gia theo từng nhóm vấn đề, tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề, trao đổi ý kiến bằng văn bản…
Kết luận buổi làm viêc, một lần nữa, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Bộ rất coi trọng sự tham gia, đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng của các hội nghề nghiệp, đồng thời Bộ cũng sẽ quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hơn nữa vai trò và sự tham gia của các hội nghề nghiệp đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển của ngành Xây dựng…”
H.N (Tổng hợp)