Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về đề xuất 2 mô hình
của quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở.
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về đề xuất 2 mô hình của quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở.
Theo đó mô hình thứ nhất, thành lập mô hình tiết kiệm nhà ở để cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hộii, để cải tạo, sửa chữa nhà ở và cho doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Mô hình thứ hai, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho các đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay.
Theo chương trình hành động nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì phấn đấu từ năm 2011 đến năm 2020, cả nước cần phát triển tăng thêm khoảng 1 tỷ m2 sàn nhà ở, trong đó cần xây dựng khoảng 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Bình quân mỗi năm cả nước cần xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó tại khu vực đô thị mỗi năm cần xây dựng mới khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở.
Với giá thành đầu tư xây nhà ở bình quân khoảng 10 triệu đồng/m2 thì tính đến năm 2020 với 500 triệu m2 sàn nhà ở tăng thêm tại khu vực đô thị nhu cầu về vốn đầu tư là khoảng 5.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó nhu cầu nhà ở xã hội đến năm 2020 khoảng 22,5 triệu m2 sàn, ứng với khoảng 225 nghìn tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng một mô hình tổ chức tài chính dạng Quỹ nhằm mục đích huy động các nguồn tài chính dài hạn với lãi suất hợp lý từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để dành cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho người thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
H.N