Mỗi hecta đất đang bỏ hoang ở nội thành nếu bán đấu giá có thể đủ tiền cho 50 ha đất ngoại ô.
Mỗi hecta đất đang bỏ hoang ở nội thành nếu bán đấu giá có thể đủ tiền cho 50 ha đất ngoại ô.
Năm 2009-2010 có 150 dự án cho người có thu nhập thấp với trên 150.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 640.000 người. Số nhà này sẽ bán cho người có thu nhập thấp hoặc cho đối tượng này thuê, thuê mua.
Đó là thông tin được đưa ra tại “Hội thảo giải pháp phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân, học sinh” do Bộ Xây dựng tổ chức hôm qua (16-7).
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến nghi ngại về việc doanh nghiệp chỉ đăng ký để “xí chỗ” mà không triển khai dự án. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Trong thời gian nhất định, nếu doanh nghiệp không triển khai thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi dự án để chuyển cho doanh nghiệp khác”.
Bảy triệu đồng/m2
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nếu nhà nước đứng ra lo đất để làm nhà và làm hạ tầng như đường, cống rãnh..., doanh nghiệp chỉ xây nhà chung cư thì giá nhà bán tới tay người có thu nhập thấp khoảng bảy triệu đồng/m2. Một căn hộ 50 m2 sẽ có giá khoảng 350 triệu đồng.
Tuy nhiên, Vinaconex Xuân Mai (Hà Nội) lại đưa ra giá thấp hơn, với nhà chung cư chín tầng được xây tại Xuân Mai (Hà Nội) và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thì giá thành xây dựng chỉ gần năm triệu đồng/m2. Theo quy định, giá bán nhà được cộng thêm tối đa 10% chi phí đầu tư.
Chất lượng cuộc sống của người dân trong những căn hộ giá thấp là vấn đề dành được sự quan tâm của nhiều người tham dự hội thảo. “Điều không kém phần quan trọng là tạo môi trường trong sạch trong các khu nhà ở, để căn nhà chưa sang, chưa rộng nhưng người ở trong đó được hưởng thụ môi trường sống lành mạnh và trật tự. Đó là kinh nghiệm thành công thu được từ Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia...” - GS-TS Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến Trúc, nhìn nhận.
Theo ông Châu, nhà ở chính là nơi góp sức xây dựng nếp sống đô thị cho một bộ phận dân cư trong đô thị. Vì vậy, thiết kế không gian linh hoạt, biến đổi theo nhu cầu sử dụng “ít mà tinh, chưa nhiều nhưng đủ” là việc đáng quan tâm. Các căn hộ tuy nhỏ nhưng sức sáng tạo của kiến trúc sư có thể khiến chúng phục vụ tốt cho các gia đình nghèo.
Đưa ra ngoại thành
Lấy đất ở đâu để làm nhà cho người có thu nhập thấp, nên làm nhà ở khu vực nào? KTS Khương Văn Mười - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng không thể sử dụng đất ở những khu trung tâm của TP để xây nhà cho người có thu nhập thấp. Bởi nhà ở đó rất có giá, chủ nhà sẽ chuyển quyền sử dụng để lấy tiền chênh lệch. Đất làm nhà cho người có thu nhập thấp nên ra vùng ngoại ô.
Ông Đực hiến kế: “Đất trong nội thành TP.HCM có nhiều khu hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Nhà nước nên thu hồi những khu đất ấy bán đấu giá, lấy tiền đó tạo quỹ đất sạch ở vùng ven làm nhà cho người thu nhập thấp. Nếu lấy 1 ha đất trong nội thành để xây 1.000-2.000 căn hộ thì không giải quyết được gì. Ở khu vực trung tâm TP, nếu bán đi 1 ha đất thì ra ngoại ô có thể tạo được 50 ha đất sạch (đã giải phóng mặt bằng và làm xong hạ tầng - PV)”.
Theo ông Đực, nên làm những khu đô thị có quy mô lớn 30-50 ha ở vùng ngoài. Ở TP.HCM, nhiều nơi như các quận 7, 9, 12, Bình Tân, Hóc Môn vẫn còn những khu đất trống, TP nên quy hoạch làm nhà ở cho người có thu nhập thấp như khu Thanh Đa trước đây.
“Trong bối cảnh hiện nay, tại trung tâm TP đang bị bế tắc giao thông, chúng ta nên chọn phương án ở ngoại vi kết hợp xây dựng hạ tầng xã hội đầy đủ, tiện nghi để thu hút cư dân ở trung tâm ra ngoài. Bù đắp lại vị trí xây dựng ở ngoại ô, xa trung tâm. Khu dân cư này cần có bãi đỗ xe, cây xanh, mặt nước, khoảng không gian sinh hoạt cộng đồng, đi dạo, thể dục thể thao, phòng họp” - ông Mười đồng tình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Mục tiêu là chỗ ở chứ không phải sở hữu nhà
Các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ... thì có trên 60% dân số thuê nhà để ở. Tuy nhiên, người Việt Nam từ trước đến nay ai cũng muốn sở hữu một ngôi nhà, theo quan niệm “An cư thì mới lạc nghiệp”. Tư duy này là của người phương Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng.
Thế nhưng quan niệm này không còn phù hợp với cách sống ở đô thị như hiện nay, với sự luân chuyển chỗ làm việc, chỗ ở của nhiều người. Mặt khác, nhiều người mua nhà thì rất khó nhưng bỏ tiền ra hằng tháng thuê nhà để ở thì được. Mục tiêu của ta hiện nay là người dân có chỗ ở chứ không phải là mục tiêu sở hữu nhà.
Nhiều người khá giả mua nhà để ở hay để tích lũy tài sản thì đó lại là chuyện khác. Những người không có nhu cầu tích lũy tài sản mà chỉ có nhu cầu để ở thôi thì nên đi thuê nhà ở nơi có hạ tầng tốt, có vị trí thuận lợi cho con cái đi học và bố mẹ đi làm. Ta nên thúc đẩy khuynh hướng này, không chỉ ở khu vực người có thu nhập thấp mà với cả những đối tượng khác.
(Theo PL TPHCM)