Thanh khoản trong những tháng đầu năm tăng mạnh khiến phân khúc căn hộ tại Hà Nội bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hàng...
Thanh khoản trong những tháng đầu năm tăng mạnh khiến phân khúc căn hộ tại Hà Nội bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hàng, nhiều dự án xuất hiện giá chênh, trong khi các chủ đầu tư cũng đua nhau tăng giá bán. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc tăng giá khi thị trường vừa chớm ấm lên có thể khiến khách hàng quay lưng với dự án.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, tại hầu hết các dự án căn hộ đơn vị này phân phối bán hàng, những căn hộ có diện tích nhỏ đều đã được khách hàng đặt mua, như tại Dự án Golden West trên đường Lê Văn Thiêm, Dự án Văn Phú Victoria, Dự án căn hộ cao cấp Discovery Complex và một dự án căn hộ khác trên đường Lê Văn Lương...
Do thanh khoản của thị trường căn hộ tăng mạnh, nhất là những căn hộ có diện tích nhỏ, nên nhà đầu tư và đơn vị thứ cấp đua nhau đẩy giá chênh. Cụ thể, tại Dự án CT1 và CT2 Trung Văn, các đơn vị thứ cấp đã đẩy giá chênh lên trên dưới 100 triệu đồng mỗi căn. Trong khi đó, căn hộ tại Dự án 136 Hồ Tùng Mậu đã được các đơn vị môi giới đẩy lên cao hơn giá gốc từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2…
Không chỉ những căn hộ trung cấp và bình dân, nhiều dự án cao cấp tại Hà Nội cũng xuất hiện mức giá chênh. Đơn cử, tại Dự án Mandarin Garden, các căn hộ diện tích nhỏ được rao bán với giá chênh lên đến 500 - 600 triệu đồng/căn. Trong khi đó, căn hộ diện tích nhỏ tại các dự án Discovery Complex (đường Xuân Thủy), hay Diamon Flower (Trung Hòa - Nhân Chính), dù đang trong quá trình triển khai, cũng bắt đầu xuất hiện tiền chênh…
Lợi dụng thị trường vừa ấm lên, nhiều chủ đầu tư có dự án đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng chưa bán hết hàng cũng tranh thủ tăng giá bán để tối đa hóa lợi nhuận. Những dự án được chủ đầu tư tăng giá bán thời gian gần đây có thể kể đến như Dự án Hòa Bình Green City của Công ty TNHH Hòa Bình, Dự án Thăng Long Number One của Viglacera, hay mới đây nhất là Dự án N04B1 (Dịch Vọng hậu) của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Phú Quý Land cho biết, việc căn hộ một số dự án có mức giá chênh thời gian gần đây là đương nhiên, bởi nhu cầu về căn hộ hiện nay rất lớn, trong khi thị trường không có nhiều sản phẩm tốt để khách hàng lựa chọn.
Cũng theo ông Hà, do lo ngại thị trường tăng giá, nên không ít người có nhu cầu về nhà ở đã không còn đứng ngoài nghe ngóng nữa, mà đã quyết định mua nhà, giúp giao dịch thị trường từ đầu năm tới nay trở nên sôi động hơn rất nhiều.
Cùng quan điểm trên, một số đại diện sàn giao dịch cũng cho biết, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dường như đang cạn kiệt, nhất là trong phạm vi từ Vành đai 3 vào nội đô, bởi từ 2 năm nay, không còn nhiều dự án mới được triển khai. Vì thế, những dự án có vị trí tốt, giá cả hợp lý, tiến độ xây dựng tốt được săn đón và liên tục xuất hiện giá chênh.
Đại diện một sàn giao dịch tại khu Trung Hòa - Nhân Chính tiết lộ, do nguồn cung căn hộ hạn chế, nên các đơn vị phân phối hiện nay cạnh tranh khá gay gắt để giành quyền phân phối bán căn hộ dự án.
Vị đại diện này lấy dẫn chứng, gần đây, rất nhiều đơn vị phân phối phải “vận động” và tìm nhiều cách để được quyền phân phối và bán căn hộ tại Dự án Thành Phố giao lưu (Cổ Nhuế, Từ Liêm) do Geleximco làm chủ đầu tư. Trong khi đó, một dự án khác là Sapphir Palace trên đường Chính Kinh (quận Thanh Xuân) vừa được tái khởi động sau thời gian dài “đắp chiếu”, cũng được nhiều đơn vị phân phối săn đón để có quyền phân phối bán hàng. Hiện các đơn vị phân phối đang thỏa thuận để thống nhất giá bán căn hộ phù hợp.
“Nếu được chính thức mở bán và bán với giá hợp lý, rất có thể, căn hộ tại các dự án này sẽ lại xuất hiện giá chênh”, vị đại diện này nói.
Theo ĐTCK