5 tháng đầu năm 2010, tổng vốn FDI vào Việt Nam là 7,5 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là 1,28 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn. Đằng sau những con số này ẩn chứa hiện tượng đáng lo ngại.
5 tháng đầu năm 2010, tổng vốn FDI vào Việt Nam là 7,5 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là 1,28 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn. Đằng sau những con số này ẩn chứa hiện tượng đáng lo ngại.
Đầu tư nước ngoài vào bất động sản bằng vốn trong nước?
Hiện nay, đang tồn tại tình trạng các dự án bất động sản mang danh có vốn đầu tư nước ngoài trị giá hàng tỷ USD nhưng lại huy động và sử dụng vốn trong nước. Điều này đi ngược lại với mong muốn của cơ quan quản lý khi thu hút đầu tư nước ngoài.
Cho tới nay, chúng ta chưa có thống kê chính xác nào về nguồn vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài thực sự dùng vốn của mình đổ vào lĩnh vực bất động sản. Có thể thấy điều đó qua dự án Mulbert Lane ở Mỗ Lao (Hà Nội), trong tổng số 170 triệu USD thì có tới 60 triệu USD là đi vay.
Hay như việc nhà đầu tư Indochina Capital vay 44 triệu USD để đầu tư dự án Indochina Plaza ở Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội và 39 triệu USD để đầu tư cho dự án Hyatt Regency Danang Resort & Spa.
Không những thế, vốn đầu tư cho dự án Indochina Riverside Towers ở Đà Nẵng và The Nam Hải ở Quảng Nam của nhà đầu tư này cũng là đi vay.
Những ví dụ trên cho thấy hiện tượng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đang được huy động từ ngay thị trường trong nước.
Điều đáng lưu ý là khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam để thu lợi, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Họ chỉ cần bỏ ra từ 5-10 triệu USD, sau đó huy động vốn trong dân qua việc “bán nhà trên giấy” vay ngân hàng để triển khai dự án.
Trong báo cáo Kinh tế Việt Nam 2008 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng đã cảnh báo về hiện tượng này. Theo tính toán, 70% lượng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản là vốn đi vay. Điều này đã và sẽ tiếp tục gây hậu quả về nhiều mặt.
Cần xem xét, đánh giá lại câu chuyện vốn đầu tư cho bất động sản
Việc các nhà đầu tư nước ngoài cạnh tranh và hút mất số vốn đáng lẽ dành cho các doanh nghiệp trong nước, gây thêm trở ngại cho phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó, mục tiêu thu hút thêm vốn bằng ngoại tệ để bổ sung cho thiếu hụt tiết kiệm nội địa và ngoại tệ cho nền kinh tế đã không đạt được.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đã đến lúc cần phải xem xét, đánh giá lại câu chuyện đầu tư nước ngoài bằng vốn trong nước trong lĩnh vực bất động sản. Từ đó, cần có biện pháp, chính sách để điều chỉnh. Không thể tiếp tục để xảy ra hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án với số vốn lên tới 3-4 tỷ USD, nhưng vốn thực sự họ mang vào Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là chi phí ban đầu, như xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng… Sau đó, với lợi thế là kinh nghiệm và thương hiệu của mình, nhà đầu tư nước ngoài lại huy động vốn trong nước như các nhà đầu tư trong nước khác, thậm chí còn bán lại dự án. Đây là một thực tế cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo, vì vốn cho thị trường bất động sản hiện nay đang rất thiếu.
Những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc biến các khu đất sình lầy thành các khu đô thị kiểu mới là không thể phủ nhận. Song, câu hỏi về phần trăm thực sự trong tổng số gần 42 tỷ USD mà các nhà đầu tư nước ngoài mang vào đầu tư trong lĩnh vực bất động sản ở nước ta thời gian qua là bao nhiêu, vẫn cần được giải đáp. Nếu thực sự lượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án bất động sản ít như cảnh báo, liệu đó có thể được xem là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay không?
(Theo VOV)