Một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá nhà đất tại Hà Nội tăng quá cao trong thời gian qua là do cầu ảo và việc "làm giá" của giới đầu cơ. Tìm các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường bất động sản là nội dung được thảo luận tại diễn đàn "Phát triển thị trường bất động sản Hà Nội".
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá nhà đất tại Hà Nội tăng quá cao trong thời gian qua là do cầu ảo và việc "làm giá" của giới đầu cơ. Tìm các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường bất động sản là nội dung được thảo luận tại diễn đàn "Phát triển thị trường bất động sản Hà Nội".
"Ở Hà Nội bây giờ không kiếm nổi căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/mét vuông. Nhà tái định cư cũng phải trên 20 triệu đồng/mét vuông", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ như vậy tại diễn đàn do báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Viện Kiến trúc- Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức.
Ông Nam cho rằng, người dân Hà Nội có nhu cầu mua nhà ở phân khúc giá trung bình để ở rất khó tìm được căn nhà ưng ý, bởi giá trên thị trường thường bị đội lên quá cao so với giá trị thực.
Trong khi đó, ông Nam cũng nhìn thấy một số dự án căn hộ cao cấp có giá xấp xỉ 1.000 đô la Mỹ/mét vuông đã gặp khó khăn hơn trong việc tìm người mua chứ không dễ dàng như trước.
Hơn nữa, trái với suy nghĩ của nhiều người, dân số Hà Nội hiện nay đã tăng lên đến gần 7 triệu người và có tới hàng trăm ngàn người dân thủ đô đang phải sinh sống trong những căn nhà với diện tích trung bình chỉ 5 mét vuông/đầu người.
Như vậy, bài toán đặt ra là trong số 7 triệu dân Hà Nội còn rất nhiều gia đình có nhu cầu thực sự mua nhà mới để ở nhưng không mua nổi do giá quá cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất ít người có thể mua một căn hộ chung cư sát với giá trị thực của nó trừ phi có "quan hệ" với chủ đầu tư, vì giá bán đã bị đẩy lên thông qua nhiều "cầu" khác nhau.
Nhận định về vấn đề này, một chuyên gia bất động sản nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trong một lần trò chuyện rằng ông không thể tưởng tượng giá nhà đất tại Hà Nội lại cao đến mức phi lý như thế, đặc biệt trong thời điểm vừa qua thị trường lên cơn sốt mà rất nhiều người vẫn đổ xô đi mua đất.
Vị chuyên gia cho rằng, "sốt" không phải do nhu cầu thực của người dân muốn mua nhà để ở, mà là do nhu cầu ảo của một bộ phận dân chúng, nhà đầu tư và đặc biệt là dân đầu cơ cùng tạo nên.
Việc "lướt sóng", đầu cơ kiếm chênh lệch của nhiều người đã góp phần đẩy giá bất động sản lên rất cao và điều này gây ra hiệu ứng tâm lý không tốt cho thị trường.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng những vấn đề trên chính là nguyên nhân gây biến động thị trường bất động sản Hà Nội trong những năm gần đây.
"Việc đầu cơ, kích giá, "làm giá" ảo của giới đầu cơ, tâm lý mua bán theo tin đồn, tâm lý đám đông của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân để đẩy giá bất động sản lên cao", ông Thọ phát biểu tại diễn đàn.
Ngoài ra, theo ông Thọ, một nguyên nhân chính khác là nhu cầu về bất động sản nhà ở, các công trình hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn tại Hà Nội rất lớn, trong khi đó nguồn cung của thị trường lại không đủ đáp ứng, nhất là nhu cầu về nhà ở.
"Trong khoảng hai năm trở lại đây ít có khu đô thị mới quy mô lớn nào được triển khai trên địa bàn thành phố do quy hoạch thủ đô chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số chậm triển khai do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cung không đủ cầu dẫn đến giá tăng", ông Thọ nói.
Tính minh bạch của thị trường địa ốc Hà Nội trong tất cả các khâu, theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, từ hoạt động đầu tư, tạo lập bất động sản đến hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản còn nhiều hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, muốn nâng cao tính lành mạnh cho thị trường bất động sản Hà Nội thì ưu tiên hàng đầu là cần tập trung hoàn chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, cần xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015, 2020 và 2030 để tổ chức thực hiện.
Ông Minh đề xuất phải có phương án hoàn chỉnh và phê duyệt đề án quản lý và phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhằm xây dựng một lộ trình tổng thể cho việc quản lý và phát triển thị trường bất động sản trên thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản, giao dịch, mua bán một cách minh bạch theo quy định của pháp luật.
( Theo TBKTSG)