Hiện hầu hết các dự án bất động sản khi đưa ra thị trường đều kèm ưu đãi là hỗ trợ khách hàng vay tiền ngân hàng với lãi suất đặc biệt, thời gian vay lên đến hàng chục năm. Nhưng, khi khách hàng tiếp cận với chương trình thì mới hay không dễ.
Hiện hầu hết các dự án bất động sản khi đưa ra thị trường đều kèm ưu đãi là hỗ trợ khách hàng vay tiền ngân hàng với lãi suất đặc biệt, thời gian vay lên đến hàng chục năm. Nhưng, khi khách hàng tiếp cận với chương trình thì mới hay không dễ.
Chị Thiên Thanh, một tiểu thương ở chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) dự định mua căn hộ tại dự án Lê Thành do Công ty Lê Thành làm chủ đầu tư ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM với giá khoảng 600 triệu đồng. Theo giới thiệu, dự án được công ty ký kết với nhiều ngân hàng nhằm hỗ trợ khách mua trả góp làm nhiều đợt. Trong đó, số tiền thanh toán đợt 1 là 30% giá trị căn hộ.
Không đủ tiền nên chị Thanh phải tính đến chuyện vay ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi đến công ty tìm hiểu chị mới té ngửa, để được vay tiền, chị phải đóng đợt đầu là 40% giá trị căn hộ (khoảng 240 triệu đồng), cao hơn 10% so với khách bình thường. Không những thế, số tiền thực tế chị được vay cũng chỉ là 60 - 70% giá trị của 60% số tiền còn lại. Lãi suất cũng không có gì khác so với việc tự đi vay. “Trước đó, chủ đầu tư thông báo, dự án có liên kết với ngân hàng cho vay đến 70% giá trị căn hộ. Tới đây, tôi mới hay không như các công ty quảng cáo”, chị Thanh bức xúc.
Nhiều ngân hàng khẳng định, họ đang mở rộng và tích cực tăng trưởng tín dụng cá nhân, song phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Do vậy, để được vay, tùy giá trị căn hộ, khách hàng phải có thu nhập cao. Tuy nhiên, quy định này là quá sức đối với nhiều người. Điển hình như tại dự án Tân Mai, nếu khách hàng mua căn hộ có giá từ 600 triệu đồng, trừ các chi phí sinh hoạt hằng ngày, phải chứng minh được thu nhập tích lũy trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, theo nhiều khách hàng, nếu mỗi tháng dư 10 triệu đồng thì họ… không cần phải mua nhà trả góp.
Theo bà Phạm Thị Phương Liên, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP đầu tư xây dựng Tân Bình, hiện những khách hàng mua nhà tại dự án Tân Mai, nếu có nhu cầu vay vốn của các ngân hàng liên kết như Vietcombank, Sacombank, Techcombank…, thì công ty sẽ giới thiệu, sau đó khách phải tự thương lượng với ngân hàng, còn việc có vay được tiền hay không thì tùy thuộc vào “uy tín” của hồ sơ mà khách vay khai báo với ngân hàng...
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc ACB (ACBR), cho biết, các ngân hàng cho vay trên nguyên tắc căn hộ phải có chủ quyền. Trên thực tế, hợp đồng vay vốn giữa nhà đầu tư và ngân hàng là một hợp đồng tín chấp vì tài sản (căn hộ) lúc bấy giờ chưa hình thành. Ngoài ra, khi cho khách vay, ngân hàng sẽ chuyển tiền trực tiếp đến chủ đầu tư, nhưng lại không thể kiểm soát tiến độ của dự án có đúng như cam kết ban đầu không. “Để đảm bảo an toàn, ngân hàng phải thẩm định kỹ điều kiện trả nợ của khách hàng và uy tín chủ đầu tư”, ông Hải nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, hiện nay các dự án khi xây dựng đều bắt tay với ngân hàng trong việc tài trợ vốn làm dự án và hỗ trợ khách hàng có nhu cầu mua nhà. “Đây là hình thức “PR” cho dự án, vì thực chất khách hàng rất khó “gặm” những ưu đãi này”, ông nói. Cũng theo ông Hiển, với những điều kiện hiện nay, người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được khoản vay.
(Theo Đất Việt)