Ngày 22-5, Chính phủ đã trình những điểm sửa đổi trong Luật Nhà ở để Quốc hội thông qua. Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng và rút ngắn thời hạn mua nhà cho Việt kiều.
Ngày 22-5, Chính phủ đã trình những điểm sửa đổi trong Luật Nhà ở để Quốc hội thông qua. Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng và rút ngắn thời hạn mua nhà cho Việt kiều.
Cụ thể là cho phép "Người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “Người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước” chỉ cần cư trú ở Việt Nam 3 tháng trở lên là được bổ sung vào nhóm đối tượng Việt kiều được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thực chất, Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung lần này tập trung sửa điều 126, đồng thời cũng là sửa đổi những quy định cơ bản nhất về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến mức độ nào.
So với người dân sinh sống trong nước, khi luật sửa đổi được thông qua, Việt kiều mua nhà ở trong nước chỉ còn chưa có quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Luật hiện tại chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam và những người được phép về sống ổn định tại Việt Nam mới được sở hữu nhà trong nước.
Ngoài ra, luật cũng quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về Việt Nam cư trú từ 6 tháng trở lên thì được sở hữu một căn hộ hoặc nhà riêng lẻ.
Luật hiện hành đã không động viên được việc hướng về làm ăn lâu dài và sinh sống tại quê hương của khoảng hơn 3 triệu người Việt định cư ở nước ngoài, trong đó khoảng 70% vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Sau 3 năm thực thi Luật Nhà ở, mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là những đối tượng thuộc diện về Việt Nam đầu tư. Hơn nữa, luật này đang vướng, thậm chí đi ngược lại một số quy định của luật khác như Luật Đầu tư, quy định xuất nhập cảnh.
Ví dụ, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong xét điều kiện mua nhà cho Việt kiều ở chỗ Luật Đầu tư không quy định thế nào là đầu tư lâu dài, hoạt động thường xuyên mà chỉ có đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Hoặc quy định xuất nhập cảnh chỉ cho phép Việt kiều được nhập cảnh vào Việt Nam tối đa là 3 tháng, sau đó gia hạn tiếp và thời gian ngắt quãng không thể gọi là “sinh sống 6 tháng liên tục” để có thể mua nhà như Luật Nhà ở quy định.
Luật Nhà ở và Luật Đất đai đều có quy định về đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. Luật Nhà ở cho phép Việt kiều ở nước ngoài có quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở, nhưng theo Luật Đất đai (điều 121) thì đối tượng này lại không được quyền đó. Do đó, cần phải trình Quốc hội sửa đổi cả điều 121 Luật Đất đai để bảo đảm tính thống nhất.
Về vấn đề này, Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm định Luật Nhà ở (sửa đổi) có sự đồng thuận chung. Ngoài sửa điều 126 Luật Nhà ở, hai bên đồng thuận sửa điều 121 Luật Đất đai hiện hành, theo đó cho phép Việt kiều được quyền cho thuê nhà, ủy quyền quản lý nhà gắn liền với quyền sử dựng đất ở trong thời gian không sử dụng.
(Theo TBKTSG)