Những câu chuyện dở khóc dở cười dưới đây tạm coi là những minh chứng cho một năm bết bát...
Năm hết Tết đến, thay vì lo thưởng tết cho nhân viên thì nhiều ông chủ bất động sản bỗng “mất tích”.
Dân trong nghề bảo: Lại đi lánh nạn rồi! Những câu chuyện dở khóc dở cười dưới đây tạm coi là những minh chứng cho một năm bết bát của thị trường bất động sản.
1. Mua đất nhiều năm nhưng không được chủ đầu tư làm chủ quyền. Sau cả năm trời truy lùng, khách hàng mới gặp mặt được ông giám đốc. Buổi gặp diễn ra tại một huyện hẻo lánh tỉnh Đồng Nai. Khách, trước khi đi đã họp nhau lại hạ quyết tâm bằng mọi cách sẽ phải yêu cầu ông này cam kết về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, khi khách ngồi chưa ráo mồ hôi, ông giám đốc này vào đề luôn: “Chúng ta cố gắng làm việc nhanh với nhau 20 phút thôi nhé, vì sau đó, tôi phải đi trốn nợ! Nếu không, chủ nợ sẽ “túm áo” và không ai giải quyết làm chủ quyền cho bà con đâu”. Nghe xong câu này, cả mấy chục khách hàng ai cũng mắt tròn mắt dẹt, lắc đầu ngao ngán. Sở dĩ, họ phải tốn nhiều công sức tìm gặp ông giám đốc vì ai cũng bỏ rất nhiều tiền mua đất dự án của ông.
Tuy nhiên, cái họ nhận được chỉ là lời hứa chứ không phải sổ đỏ như cam kết trong hợp đồng. Nguyên nhân vì chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất nên không được UBND tỉnh cấp chủ quyền. Mà số tiền nợ chỉ có 8 tỉ đồng - một số tiền quá nhỏ bé so với thời “hoàng kim” của vị đại gia bất động sản này. Nhưng, hôm nay đại gia phải đi trốn nợ…
Sự đặc biệt của câu chuyện trên là vị giám đốc này đã thẳng thắn nói hết nợ nần của mình. Toàn bộ tài sản đã bị cầm cố. Vợ bỏ, con đi. Còn một vài miếng đất bán không ai mua. Trong buổi gặp, ông này còn gạ khách hàng, ai mua ông bán rẻ để lấy tiền làm chủ quyền cho dân, không mua ông cũng không biết tìm tiền ở đâu ra…!
2. Cả hai ông đều là những doanh nghiệp đình đám trên thị trường bất động sản Tp.HCM. Một ông là công ty xây dựng, một ông cũng được gọi là “ông trùm” của phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá thấp và trung bình. Vào một ngày, ông chủ nhà thầu xây dựng tìm kiếm ông chủ dự án.
Mục đích cuộc gặp là để đòi khoảng 200 tỉ đồng tiền xây dựng một dự án tại quận 7. Thế nhưng, khi ông xây dựng chưa kịp đặt vấn đề, ông chủ dự án này đã nói ngay: các anh gặp tôi hôm nay là may lắm đó vì tôi đi trốn nợ cả năm nay rồi!
Tiếp đó, vị này lôi ra một đống hồ sơ, giấy tờ đòi nợ của ngân hàng, các đơn vị liên quan với tổng số tiền hợ hàng ngàn tỉ đồng. Nợ tôi đấy, tài sản tôi đấy, còn lấy được gì các anh cứ lấy. Mà chắc các anh cũng chẳng lấy được gì vì đều đã nằm trong tay ngân hàng hết cả rồi…Tính ra, chỉ riêng tiền lãi không, mỗi ngày ông này phải trả hơn 2 tỉ đồng.
Nghe xong liên hoàn khúc nợ, nhìn đống văn bản giấy tờ xác nhận nợ của các ngân hàng mà ông chủ xây dựng méo mặt, đành “ngậm bồ hòn”, triệu tập cuộc họp ở công ty tìm kế đòi nợ.
3. Bà là một trong những nữ đại gia có tiếng tăm lừng lẫy không chỉ tại Tp.HCM mà khắp cả nước. Thời hoàng kim bà sở hữu khối tài sản hàng ngàn tỉ đồng với những bất động sản có vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố.
Thế mà mới đây, bà lại bị một nhà thầu kiện ra toà vì cái lỗi không thể bàn giao nhà cho khách hàng. Nguyên nhân là, bà thuê một nhà thầu xây dựng giúp bà xây một dự án tại quận 8, nhưng khi nhà thầu này xây dựng xong bà lại không có tiền trả nên đành gán nợ cho nhà thầu này bằng gần 30 căn hộ.
Bất đắc dĩ, ông nhà thầu, đã phải nhận rồi tìm cách bán ra thị trường. May mắn là, số căn hộ trên cũng được bán hết cho khách hàng. Nhà đã bán hết, tiền cũng đã thu đủ nhưng một ngày đẹp trời ông nhà thầu lại bị chính khách hàng của mình kiện ra toà vì đã thu tiền mà không chịu giao nhà. Khổ nỗi, ông chỉ được gán nợ mấy chục căn trong tổng số hàng trăm căn hộ tại dự án.
Mà cho đến nay, vị nữ đại gia này cũng chưa thể hoàn thiện nhà để giao cho khách thì mấy chục căn của ông làm sao có thể hoàn thiện để giao nhà được. Bực mình vì bị kiện, ông cũng đâm đơn kiện nữ đại gia này ra toà. Một vòng luẩn quẩn kiện tụng nhau bắt đầu. Thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những khách hàng tích cóp cả đời mới mua nổi căn hộ…
4. Khi sếp là một đại gia bất động sản liên tục mặc comple lên truyền hình làm nhà tài trợ cho hết chương trình này đến chương trình khác, trong đó có những chương trình sếp ủng hộ tiền tỉ nên nhân viên của sếp không hiểu được sao sếp vẫn nợ lương mình. Rồi một ngày, những thắc mắc của nhân viên cũng được giải đáp khi nhận được nhiều công văn của các tổ chức nhắc lại lời hứa mà sếp hứa tài trợ và mong muốn sếp giữ chữ tín.
Chưa hết, sếp còn bị không ít các công ty truyền thông đòi nợ. Bởi những hợp đồng quảng cáo đình đám một thời nay sếp cũng không trả nổi. Và tết này, cả gần trăm con người dưới quyền sếp cũng đòi sếp phải trả lương để họ có cái mà ăn tết…
Theo Sài Gòn Tiếp Thị