Trong bối cảnh giá bất động sản không ngừng gia tăng khiến người dân, nhất là những người thu nhập thấp ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kéo giảm giá nhà đất.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã tổ chức hội thảo "Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, Phân khúc nào phù hợp?" vào ngày 24/12 vừa qua. Tại hội thảo, Phó Tổng thư ký VARS, ông Nguyễn Văn Đính đưa ra các giải pháp giúp kéo giảm giá bất động sản trên thị trường. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đưa công nghệ vào lĩnh vực xây dựng nhằm giảm chi phí xây dựng các công trình, dự án nhà ở.
Thứ hai, thủ tục đầu tư nên làm trong ngắn hạn, tránh kéo dài quá lâu khiến chi phí gia tăng. Ước tính, chi phí cho khâu chuẩn bị đầu tư dự án hiện chiếm khoảng 10-20%. Chi phí này tại các đô thị và vùng lõi đô thị còn cao hơn.
Thứ ba, giảm chi phí tín dụng. Việc các ngân hàng giảm chi phí cho vay thời gian gần đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Để giảm chi phí vốn đầu tư cần có cơ chế lâu dài, ổn định.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể lấy đất nhà ở xã hội để xây nhà ở thương mại.
Ảnh minh họa |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, cơ cấu giá chung cư thương mại gồm nhiều khoản phí như chi phí vốn, hạ tầng, quản lý, lãi vay, chi phí bán hàng. Trong đó, chi phí liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng có biên độ thay đổi rộng, ảnh hưởng không nhỏ tới giá nhà. Do đó, việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ phụ thuộc phần lớn vào giá đất từng địa phương, từng khu vực cụ thể.
Nếu nhà nước không có cơ chế ưu đãi về giá đất thì việc đầu tư các dự án nhà ở giá thấp tại TP. Hà Nội và TP.HCM - nơi có giá đất cao hơn các địa phương khác sẽ khó khả thi.
Theo ông Khởi, giải pháp trước mắt là cho phép các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị tại những địa phương chưa sử dụng hết quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật dùng để xây nhà ở thương mại giá rẻ. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây nhà ở thương mại trong dự án.
Mặt khác, cần xem xét, điều chỉnh giá bán nhà ở thương mại giá thấp trong từng thời kỳ theo sự biến động của thị trường. Giai đoạn trước mắt, có thể thực hiện phương án sau: Giá bán nhà ở thương mại giá thấp không vượt quá 25 triệu đồng/m2 đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; không quá 20 triệu đồng/m2 áp dụng cho các địa phương còn lại. Mức giá này chưa có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, đã bao gồm VAT.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở thương mại giá thấp cần được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Cụ thể, miễn cấp giấy phép xây dựng nếu dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Đồng thời, được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu và thiết kế điển hình nhà ở thương mại để tham khảo.
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế tạo điều kiện cho chủ đầu tư phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm huy động vốn triển khai dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp sẽ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.Đặng Hùng Võ cho rằng, cần hệ thống lại nguồn cầu bất động sản để tìm giải pháp cho nguồn cung. Nguồn cung thiếu cầu rất nhiều nhưng chúng ta không xác định được phân khúc nào thiếu, thiếu bao nhiêu. Ví dụ, có thể tính toán xem bao nhiêu cặp vợ chồng trẻ có đủ khả năng thanh toán mua nhà trong mức giá phù hợp... Đây là giải pháp trước mắt có thể làm ngay.
An Thanh
>> Thị trường địa ốc cuối năm 2020 sẽ ra sao?
>> Bộ Xây dựng: Giá nhà ở chưa có dấu hiệu giảm
>> Cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị mỗi năm
>> Người lao động tại Hà Nội phải mất 25-28 năm tích lũy mới mua được nhà
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/12/25/chuyen-gia-hien-ke-keo-giam-gia-nha-dat