Thị trường bất động sản gặp khó khăn cũng là lúc nhiều doanh nghiệp thể
hiện năng lực của mình, trong đó doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà đang có
nhiều ưu thế.
Thị trường bất động sản gặp khó khăn cũng là lúc nhiều doanh nghiệp thể hiện năng lực của mình, trong đó doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà đang có nhiều ưu thế.
Sàng lọc chủ đầu tư
Cơn sốt của BĐS đình đám đi qua để lại một lượng hàng tồn kho rất lớn, đã qua rồi cái thời “vàng son” của phân khúc căn hộ trung - cao cấp trên thị trường bất động sản. Lúc đó, trung bình 1 năm 3 lần chủ đầu tư các dự án công bố tăng giá bán. Nhưng đến thời điểm này, tình hình diễn biến theo chiều ngược lại: 1 năm 3 lần chủ đầu tư công bố giảm giá bán để nỗ lực cùng các nhà môi giới tìm cách “đẩy hàng”, cứu vãn tình thế.
Hiện nay, quy mô nợ xấu trong lĩnh vực BĐS khá lớn, nhưng nền kinh tế nước ta đang trong quá trình điều chỉnh theo hướng thoái nợ sau giai đoạn tăng trưởng nóng trên sự tăng trưởng tín dụng ở mức cao thì một trong những lĩnh vực vay nợ nhiều nhất là BĐS sẽ phải điều chỉnh mạnh nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ có một cuộc sàng lọc thực sự các chủ đầu tư.
Đối với thực trạng hiện tại, ngoài cơ hội từ các biện pháp tháo gỡ khó khăn từ chính phủ, bản thân các doanh nghiệp bất động sản phải vận động và điều chỉnh để tạo ra cơ hội cho mình trong tình hình kinh tế khó khăn. Thị trường BĐS đang diễn ra cuộc ganh đua quyết liệt giữa DN nội và ngoại, trong đó, ưu thế vẫn nghiêng về những DN trong nước.
Ngoại bỏ cuộc
5 năm trước, thị trường địa ốc chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư nước ngoài. 40% tổng vốn của các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào thị trường bất động sản. Tại Hà Nội, TP.HCM, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến lĩnh vực này từ Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và gần đây là Malaysia...
Những doanh nghiệp mác ngoại ban đầu khá “hút” giới đầu tư nhưng do khó khăn về tài chính, nhiều chủ đầu tư nước ngoài đã vội phải bán tháo dự án sau một thời gian dài đắp chiếu. FDI đổ vào bất động sản đã không còn xếp đầu danh sách vốn ngoại như trước đây.
Khủng hoảng kinh tế, cộng với áp lực về vốn, hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản trong đó đa phần là doanh nghiệp nước ngoài tại VN phải bán tháo dự án của mình để tập trung nguồn lực cho công ty mẹ. Thực tế, đói vốn là nguyên nhân phổ biến cho tình trạng bất động của các dự án có vốn đầu tư đăng ký rất lớn nhưng không triển khai được.
Theo ông Michael Modler - Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), giá trị vốn FDI vào bất động sản tại thời điểm cuối năm 2011 thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, chỉ đạt 852 triệu USD. Năm 2012 có tăng lên 1,85 tỷ USD nhưng vẫn không “thấm” vào đâu so với thời hoàng kim của các năm trước (năm 2008 lên đến 23 tỷ USD, năm 2009 đột ngột giảm còn 7,4 tỷ USD…)
Doanh nghiệp nội lên ngôi
Có thể nói, cơ hội cho DN bất động sản nội vẫn còn rất lớn. Ngay trên sân nhà, nhiều doanh nghiệp VN có tiềm lực tài chính và hướng phát triển bài bản đã coi đây là cơ hội đầu tư. Theo báo cáo của CBRE, số căn hoàn thiện trong năm 2012 tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Điều này cho thấy nhiều chủ đầu tư vẫn tâm huyết với dự án của mình bất chấp điều kiện thị trường khó khăn chung.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng, thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục khó khăn, đồng thời chuẩn bị tâm lý cho một cuộc đua đường dài. Sức chịu đựng và bản lĩnh của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định việc có tiếp tục hay phải từ bỏ cuộc chơi khốc liệt này.
Thị trường BĐS đang diễn ra cuộc sàng lọc lớn, những DN không có chức năng chính là kinh doanh BĐS đã và đang thoái vốn khỏi lĩnh vực này, các DN khác buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và hướng đi đúng đắn vẫn có những cơ hội đứng vững trên thị trường và tiếp tục phát triển.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đang sẵn sàng hội nhập với cách làm ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các chủ đầu tư trong nước như Vingroup, Bitexco, chủ đầu tư Ecopark... đang thể hiện vai trò của mình trên sân nhà bằng việc đi vào những thị phần chuyên biệt; đầu tư nghiêm túc, có chiều sâu, tạo ra những “bản sắc”, thế mạnh vượt trội và xây dựng được niềm tin của khách hàng.
Ưu thế của doanh nghiệp nội trở nên ràng hơn khi khách hàng chứng kiến nhiều dự án đình đám có “mác ngoại” đã nhanh chóng thoái vốn, chuyển nhượng thương hiệu sau khi xây dựng cơ bản và hoàn tất khâu bán hàng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lớn trong nước rất tâm huyết với việc duy trì thương hiệu, quản lý vận hành, chăm sóc sau bán hàng, xây dựng cộng đồng cư dân… chứ không phải khai thác theo hướng “ăn xổi” trong một thời điểm nhất định.
Theo ông Peter Ryder, tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital, thị trường bất động sản Việt Nam không còn ở giai đoạn non trẻ mà đang bước vào chu kỳ mới của sự sàng lọc. Ông Peter còn cho rằng, năm 2013 sẽ luôn song hành cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp BĐS nội.
D.A