Ngoài một tỷ lệ nhỏ người dân có nhu cầu thực tìm mua nhà, thì đa phần còn lại là giới đầu cơ đang vào đợt tung tiền đón đầu đầu tư, khi thời điểm cuối năm đang cận kề.
Ngoài một tỷ lệ nhỏ người dân có nhu cầu thực tìm mua nhà, thì đa phần còn lại là giới đầu cơ đang vào đợt tung tiền đón đầu đầu tư, khi thời điểm cuối năm đang cận kề.
Chỉ cần nhìn những người bốc thăm trúng nhà "dễ tính" cung cấp số điện thoại liên lạc và số căn của mình cho giới "cò", cũng có thể đoán được rằng những người thực sự có nhu cầu mua nhà ở không nhiều.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, nhà đất bỗng lên cơn sốt bất thường, khi giá nhiều dự án chung cư và đất nền bị đẩy lên gấp mấy lần giá gốc. Đúng như phản ứng "thường thấy" ở thị trường Việt Nam: giá càng tăng người mua càng đông. Cuối tuần qua, cả nghìn người lại tập trung, chen chúc tại sàn giao dịch bất động sản của Tập đoàn Nam Cường tại 13 Khuất Duy Tiến, mong "xí" được một suất bốc thăm góp vốn Dự án chung cư Lê Văn Lương Residentials, là minh chứng rõ ràng nhất cho cơn "sốt" đầu tư đất của nhiều người.
Ngày 14/11, "hiện tượng Nam Cường" - như cách mà giới đầu tư bất động sản quen gọi, lại một lần nữa lặp lại, khi Tập đoàn này tổ chức bốc thăm góp vốn đợt 2 cho dự án chung cư Lê Văn Lương Residentials và Khu phức hợp khách sạn, thương mại, nhà ở HH2 - KĐTM Dương Nội. Hàng nghìn người đã đến từ sáng sớm chờ đợi, dù không có tên trong danh sách 500 người được bốc thăm. Thậm chí, số khách đến đông tới mức, dường như bảo vệ tòa nhà không chuẩn bị đủ vé gửi xe, phải dùng lại vé cũ, ghi số sau chồng lên số trước.
"Hiện tượng" này bắt đầu nổi lên từ đầu tháng 11, khi có tới 3.000 người đặt mua nhà của dự án, trong khi chỉ có 300 căn hộ được chào bán, khiến chủ đầu tư phải tổ chức bốc thăm. Khách hàng phải đăng ký trước, và đặt cọc 50 triệu đồng mới có thể lọt được vào danh sách bốc thăm "quyền được góp vốn" này. Do lượng khách hàng đăng ký bốc thăm quá lớn, khiến Sàn giao dịch BĐS Nam Cường phải đăng thông báo trên website, vì không thể gọi điện cho tất cả các khách hàng như đã hứa. Nhiều gia đình mang tới 2, 3 trăm triệu đặt cọc, huy động 4, 5 người nhà ra bốc thăm. Chưa bao giờ người ta "máu me" "góp vốn" như bây giờ.
Không riêng gì với dự án của Nam Cường, trong vòng một tháng trở lại đây, lượng giao dịch tại các dự án trên địa bàn Hà Đông, khu vực Hà Nội mở rộng đều tăng chóng mặt, dù giá được đẩy lên hàng ngày. Giá đất chia lô tại các khu như Văn Khê, An Khánh, Mê Linh… đều đã tăng lên 10-15 lần so với giá gốc, nhưng vẫn rất nhiều người hỏi mua.
Một người buôn bất động sản cho biết: Chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, anh ta đã lãi hơn 1 tỷ đồng, nhờ mua đi bán lại 2 suất của dự án Xa La và Tân Tây Đô. Do chỉ mua bán trao tay cũng đã có lãi lớn, nên dù không có suất bốc thăm, anh này vẫn đến "rình" mua bán trao tay suất góp vốn. Là nhà đầu tư, nhưng cũng chỉ mới tham gia đầu tư bất động sản vài tháng gần đây, nhưng nhờ thắng lớn trong 2 lần trước, khiến anh này tự tin khẳng định chắc nịch "giá nhà đất chắc chắn sẽ lên, nên dù có bỏ ra 100 triệu chênh lệch để mua suất góp vốn cũng sẵn sàng".
Giá đất tăng nóng, "cò" nhà đất cũng "sốt" theo, tập trung quanh sàn giao dịch sẵn sàng tư thế "chăm sóc" cẩn thận các khách hàng bốc trúng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng: Ngoài một tỷ lệ nhỏ người dân có nhu cầu thực tìm mua nhà, thì đa phần còn lại là giới đầu cơ đang vào đợt tung tiền đón đầu đầu tư, khi thời điểm cuối năm (khoảng thời gian được kỳ vọng nhất của giới kinh doanh nhà đất), đang cận kề. Chỉ cần nhìn những người bốc thăm trúng nhà "dễ tính" cung cấp số điện thoại liên lạc và số căn của mình cho giới "cò", cũng có thể đoán được rằng những người thực sự có nhu cầu mua nhà ở không nhiều.
Bác Trần Xuân Bổng (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) hồ hởi khoe: Tôi 80 tuổi rồi, biết gì về nhà đất đâu, chỉ đi đứng tên bốc thăm cho con gái. Lần này may mắn, hai bố con đi bốc thăm trúng luôn hai suất, thấy con tôi bảo là đã kiếm được vài trăm triệu trong ngày hôm nay.
Hiện nay, các căn phòng có diện tích vừa phải (khoảng từ 70 đến 80m), ở vị trí không quá cao hay quá thấp, như tầng 6-8-10 hướng Đông Nam thu hút được sự quan tâm của thị trường.
Theo một số chuyên gia bất động sản, giá nhà đất tăng là một điểm tất yếu của thị trường, khi nền kinh tế đang dần phục hồi và nhu cầu mua nhà vào thời điểm cuối năm ngày càng cao. Tuy nhiên, việc tăng nóng bất thường như hiện nay có phần "đóng góp" rất lớn của người dân đổ xô đi mua nhà. Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàn - Phụ trách kinh doanh sàn bất động sản Hà Nội Mới: Chung cư đang rơi vào điểm nóng của thị trường.
Ông Đặng Văn Quang - Trưởng phòng Tư vấn chiến lược, Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam cho rằng: Tháng qua giá bất động sản tăng khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện dần không phải là một hiện tượng lạ, nhưng sức tăng quá nóng khiến nhiều chủ đầu tư tự đặt ra kỳ vọng ảo, trông chờ phân khúc này sẽ tiếp tục tăng, nên cố tình ghim hàng và tự thổi giá lên. Thêm nữa, tâm lý đám đông của người dân đang bị một số chủ đầu tư lợi dụng bằng cách áp dụng chiêu: chủ động tăng giá bán, tạo nên những cơn sốt đất ảo, đẩy giá trị của nhà đất vượt quá giá trị thật nhiều lần
(Theo CAND)