Sau thời kỳ giảm giá bằng cách giảm chênh lệch, bán đúng giá gốc; rồi chuyển sang giai đoạn giảm giá đường vòng bằng cách khuyến mãi, tặng lãi suất… nhưng không ăn thua, đã đến lúc, các DN trực tiếp giảm giá bán. Cuộc chiến giảm giá đã chính thức bắt đầu với những tên tuối lớn vào cuộc.
Sau thời kỳ giảm giá bằng cách giảm chênh lệch, bán đúng giá gốc; rồi chuyển sang giai đoạn giảm giá đường vòng bằng cách khuyến mãi, tặng lãi suất… nhưng không ăn thua, đã đến lúc, các DN trực tiếp giảm giá bán. Cuộc chiến giảm giá đã chính thức bắt đầu với những tên tuối lớn vào cuộc.
Giảm giá sớm để vớt khách
Ngay sau khi bầu Đức tuyên bố giảm 50% giá căn hộ những cụm từ "phá giá", "bán tháo" liên tục được nhắc tới. Từ bắc vào nam, phân khúc căn hộ chuẩn bị bước vào đợt giảm giá tiếp theo, dự báo có nhiều cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các chủ đầu tư dự án.
Chủ tịch HAGL, Đoàn Nguyên Đức khẳng định đây không phải là động thái phá giá của tập đoàn, mà đó là chiến lược kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bất động sản phải xem vấn đề "tồn tại hay không tồn tại" chứ không thể chăm bẵm vào "lợi nhuận bao nhiêu". Điều quan trọng nhất hiện nay là bán được hàng để giảm áp lực nợ vay, cũng như xoay vòng đồng vốn.
Trước đó, thông tin chào bán căn hộ với giá sốc của HAGL đã khiến cho không ít chủ đầu tư và người mua nhà "nín thở" chờ đợi. Đây là một động thái có thể sẽ làm cho thị trường căn hộ xác lập mặt bằng giá mới khi những chủ đầu tư khác phải chạy đua giảm giá bán để thoát hàng tồn hoặc có kế hoạch định giá căn hộ ở một mặt bằng giá mới để cạnh tranh.
Không ồ ạt như TPHCM, phân khúc căn hộ tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình cảnh ế ẩm. Mới đây, chủ đầu tư dự án Đại Thanh cũng gây khá sốc bởi việc giảm giá chung cư xuống 10 triệu đồng/m2. Mức giá trên giảm 3-4 triệu đồng so với những đợt bán trước đó. Giá bán căn hộ dự án này liên tục giảm từ 14 - 14,7 triệu đồng/m2 trong lần mở bán đầu tiên xuống 13 triệu đồng/m2.
Một dự án ở Cầu Giấy dù chưa công bố giá bán mới nhưng đã nhăm nhe giảm giá để giải quyết số lượng căn hộ còn tồn đọng.
Báo cáo mới đây của Dragon Capital cho thấy, TP.HCM và Hà Nội mỗi nơi có khoảng hơn 35 nghìn căn hộ sẵn sàng để bán. Nếu không có giải pháp để kích cầu mua căn hộ, có lẽ cần ít nhất 7 năm mới tiêu thụ hết lượng căn hộ tồn kho hiện nay.
Giảm giá chưa chắc đã bán được hàng
Trong thời gian vừa qua, nguồn cung căn hộ tăng trong khi đó sức mua yếu ớt đã khiến cho chủ đầu tư buộc phải đưa ra nhiều biện pháp để có được khách hàng. Theo nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, giảm giá vẫn là cách tốt để kéo người mua bởi giá căn hộ hiện nay vẫn cao hơn so với thu nhập của người dân.
Ông Phạm Đức Toàn, giám đốc Công ty EZ Property Vietnam nhận định, hiện tượng giảm giá diễn ra do các chủ đầu tư và các đơn vị tham gia đầu tư đã không chịu nổi áp lực tài chính phải chấp nhận giảm giá để bán được hàng thu tiền về, các dự án tồn đọng một lượng hàng lớn làm cho các đơn vị bị đọng vốn ảnh hưởng tới khả năng thanh toán ngắn hạn. Một số đơn vị có những khoản nợ đến hạn phải thanh toán hoặc có đơn vị chấp nhận bán rẻ đển rút khỏi thị trường bất động sản chuyển hướng sang một lĩnh vực khác.
Ông Toàn cho rằng, việc giảm giá này còn thể hiện thêm một điều là thị trường quá xấu, tính thanh khoản của thị trường rất kém, hiện tại chỉ có một bộ phận khách hàng có nhu cầu ở là tham gia, các thành phần khách hàng đầu tư, tích trữ đã rút khỏi thị trường. Do đó việc giảm giá này cũng nhắm tới lượng khách hàng ít ỏi còn lại, giảm giá để đánh vào tâm lý lưỡng lự của họ, thúc đẩy việc quyết định mua.
Bà Nguyễn Anh Thư, trưởng bộ phận bán căn hộ của Savills Việt Nam lý giải việc "chưa gặp được nhau" bởi phần lớn các sản phẩm được chào bán chưa đáp ứng được hài hòa với nhu cầu của người mua về mặt vị trí, diện tích, điều kiện bàn giao, giá cả và tiến độ thanh toán.
Bà Thư phân tích, trên thị trường hiện nay có khá nhiều dự án đưa ra các hình thức khuyến mãi, giảm giá trực tiếp vào sản phẩm (ước tính 10-30% giá bán), chính sự giảm giá ồ ạt với mức cao như vậy đã khiến người mua vừa hoang mang không biết đâu là giá trị thật của sản phẩm, vừa có tâm lý "bình thản" hơn trong việc mua nhà khi không phải lo sợ việc hết hàng hoặc nhà tăng giá. Chính vì vậy, người mua cứ tiếp tục chờ đợi những đợt giảm giá nhiều hơn và cũng để thăm dò chiến lược bán hàng từ phía chủ đầu tư.
Tuy nhiên, cả chủ đầu tư và người mua cũng nên cân nhắc tới yếu tố chất lượng khi quyết định thay đổi giá bán, nếu việc giảm giá nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án mà không ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ xây dựng thì ở một chừng mực nào đó giảm giá cũng là một động thái tích cực nhằm "sưởi ấm" thị trường bất động sản. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu giảm giá dẫn đến hệ lụy chủ đầu tư không đủ nguồn lực để bàn giao sản phẩm đúng cam kết với người mua thì việc giảm giá không còn là một phương án tốt. Việc đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của chủ đầu tư và gây ra những hệ quả khôn lường.
Nhận định thị trường trong thời gian tới, ông Toàn, đại diện EZ Property Vietnam cho rằng, sẽ còn một số đợt giảm giá cục bộ tại một số dự án hoặc khu vực có nguồn cung lớn và giá thành đang cao, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hình thức khuyến mại nào đó. Một số chủ đầu tư vẫn còn chịu được do có kế hoạch tài chính tốt, tuy nhiên thị trường chưa có tín hiệu nào là sẽ khởi sắc trong tương lai gần. Các nguồn tiền nuôi bất động sản đã cạn kiệt, sẽ đến lúc các chủ đầu tư không chịu được sẽ phải chấp nhận giảm giá để thu tiền về.
Không những thế, giảm giá cũng chưa chắc đã bán được hàng, các DN giảm chậm càng ít cơ hội đẩy hàng tồn khó đi.
(Theo VEF)