Trước những thông tin gần đây trên thị trường bất động sản, như giảm
giá, vỡ “tín dụng đen”, bán tháo dự án hay nợ tiền thuế sử dụng đất, một
câu hỏi được đặt ra khiến nhiều người phải lo lắng: “Phải chăng vấn đề
tài chính của các “đại gia” bất động sản đang có vấn đề?”.
Chuyên gia nói diễn biến gần đây như bán tháo căn hộ, chậm nộp thuế... cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản đang cùng quẫn.
“Đại gia” BĐS: “Tôi không nợ thuế”
Theo báo cáo về tình hình nộp tiền sử dụng đất các dự án của Chi cục thuế Hà Đông vừa được công bố cuối tuần trước, hiện trên địa bàn quận có 58 dự án bất động sản mới.
Tính đến ngày 31/10/2011, số tiền thuế sử dụng đất đã thu về gần 6.000 tỷ đồng, trong đó về cơ bản các doanh nghiệp đã đóng hết. Tuy nhiên, khoản phạt nộp chậm của các doanh nghiệp vẫn còn tồn đọng gần 800 tỷ đồng.
Trong đó, dẫn đầu danh sách là Công ty Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Parkcity), nợ 152 tỷ đồng, công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (dự án Geleximco) nợ gần 100 tỷ đồng, Công ty thương mại, dịch vụ Nam Cường (dự án khu đô thị Dương Nội) nợ 69 tỷ đồng...
Cũng theo báo cáo của Chi cục Thuế quận Hà Đông (Hà Nội), hiện trên địa bàn quận này có 4 doanh nghiệp bất động sản chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền gốc lên tới gần 150 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền phạt nộp chậm thì số tiền trên còn lớn hơn nhiều.
Tại huyện Hoài Đức, riêng khoản nợ tiền sử dụng đất của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD), công ty Vietracimex, công ty T&T đã lên tới 740 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt chậm nộp vào khoảng hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, HUD (chủ đầu tư khu đô thị Vân Canh) nợ gần 400 tỷ đồng tiền gốc, Vietracimex (chủ đầu tư khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) nợ gần 300 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại huyện Từ Liêm, chủ đầu tư khu nhà ở thấp tầng tại xã Cổ Nhuế là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội còn nợ hơn 220 tỷ đồng tiền gốc. Tại huyện Mê Linh, các chủ dự án nợ 400 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt chậm nộp từ năm 2008 đến nay...
Tuy nhiên, khi được hỏi về các số “nợ” này, các đại gia BĐS đều cho rằng mình không mắc nợ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Huy, Thư ký Tổng Giám đốc, Tập đoàn Nam Cường khẳng định: “Tập đoàn Nam Cường đã đóng đầy đủ số tiền sử dụng đất có dự án khu đô thị Dương Nội từ năm 2010. Hiện Nam Cường không nợ Chi cục thuế bất cứ khoản nào”.
Lý giải về số nợ 69 tỷ đồng, ông Huy cho rằng có một chút “hiểu lầm”, chưa thống nhất trong cách tính tiền thuế sử dụng đất.
Doanh nghiệp bất động sản đang cùng quẫn
Khu đô thị Dương Nội là dự án thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), trong các thông báo của Cục thuế Hà Tây cũ từ năm 2008 có ghi rõ: “Thời gian nộp tiền vào ngân sách theo tiến độ bàn giao đất”
Do đó, số tiền 69 tỷ đồng phát sinh là do sự chênh lệch trong cách tính tiền sử dụng đất đóng khi được giao đất và tiền sử dụng đất đóng theo tiến độ. Tức là, với cách tính tiển sử dụng đất khi bàn giao đất thì được nhận 10ha đất sẽ phải đóng thuế trên diện tích sử dụng này. Nhưng nếu với cách tính tiền sử dụng đất theo tiến độ thực hiện, thì có nghĩa doanh nghiệp giải phóng mặt bằng và thi công đến đâu sẽ đóng tiền sử dụng đất đến đó.
“Hiện Chi cục thuế Hà Đông cũng đã có văn bản xem xét lại cách tính tiền sử dụng đất theo tiến độ đối với Tập đoàn Nam Cường”, ông Huy khẳng định.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Chân Phương, Phó tổng giám đốc Công ty phát triển đô thị quốc tế Việt Nam cũng bác bỏ thông tin về khoản tiền phạt chậm nộp thuế của dự án Parkcity. Theo ông Phương, chủ đầu tư của Park City đã đóng toàn bộ hơn 770 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất. Về tiền phạt nộp chậm tiền sử dụng đất được đề cập ở đây là chưa chính xác.
Đại gia bất động sản cũng có vấn đề về tài chính?
Trước những thông tin gần đây trên thị trường bất động sản, như giảm giá, vỡ “tín dụng đen”, bán tháo dự án hay nợ tiền thuế sử dụng đất, một câu hỏi được đặt ra khiến nhiều người phải lo lắng: “Phải chăng vấn đề tài chính của các “đại gia” bất động sản đang có vấn đề?”.
Để trả lời được câu hỏi này, có lẽ phải dựa trên những thống kê và con số cụ thể. Còn thực tế, các doanh nghiệp này đang ở trong tình trạng như thế nào, khó ai có thể trả lời chính xác.
Nhưng có lẽ, những tín hiệu xấu của thị trường như bán tháo dự án, chậm tiến độ,… cũng phần nào thể hiện một cơ thể đang có vấn đề “sức khỏe” của các doanh nghiệp BĐS. Song theo các chuyên gia thị trường, đây cũng là hệ quả tất yếu của việc thắt chặt tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có bất động sản như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước với văn bản số 8844, trong đó đã mở van tín dụng cho 4 nhóm bất động sản khi chính thức loại 4 nhóm này ra khỏi tín dụng phi sản xuất các chuyên gia thị trường BĐS cho rằng, “cơn bĩ cực” của giới đầu tư địa ốc sắp qua.
“Giải pháp này được đưa ra lúc thị trường đang “nóng” bởi những cú giảm giá sốc, những khoản nợ đọng thuế của doanh nghiệp, điều đó chứng tỏ, tình hình tài chính của các doanh nghiệp này đang rất khó khăn”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho hay.
Cũng theo vị này, việc ngân hàng Nhà nước đưa 4 nhóm bất động sản là các khoản vay phục vụ tiêu dùng như sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; cho vay để xây dựng nhà để bán, cho thuê hoặc xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế,… ra khỏi nhóm phi sản xuất sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản thời gian tới.
“Cái khó là nguồn vốn vay quá cao khiến doanh nghiệp không dám vay để sản xuất, còn người dân cũng không dám vay để mua nhà. Với giải pháp này, đầu vào và đầu ra chắc chắn sẽ có những dấu hiệu “ấm” lên rõ rệt. Thị trường tuy chưa thể hồi phục một sớm một chiều được, nhưng chắc chắn sẽ không lâm vào tình trạng quá khó khăn như thời gian vừa qua”, vị giám đốc cho biết.
(Theo VTC News)