Trò chuyện với GS.TS Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam- về hiện tượng căn hộ, biệt thự bị bỏ không ở một số KĐT, ông Liêm cho rằng, các nhà đầu tư không có tội mà chỉ là thiếu kiến thức về kinh tế học BĐS, đầu tư BĐS. Thấy người khác đầu tư BĐS thành công cũng lao vào đầu tư với hy vọng mình cũng sẽ thành công.
Trò chuyện với GS.TS Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam- về hiện tượng căn hộ, biệt thự bị bỏ không ở một số KĐT, ông Liêm cho rằng, các nhà đầu tư không có tội mà chỉ là thiếu kiến thức về kinh tế học BĐS, đầu tư BĐS. Thấy người khác đầu tư BĐS thành công cũng lao vào đầu tư với hy vọng mình cũng sẽ thành công.
Đơn cử như trường hợp KĐT Quang Minh (trên địa bàn huyện Mê Linh), theo ông Liêm có lẽ nhà đầu tư đã tính đến bài toán: KĐT có vị trí đắc địa, nằm trên đường đi sân bay Nội Bài, sát nách Hà Nội, lại gần KCN của Mê Linh cũng như KCN Nam Thăng Long... nhu cầu ở lớn. Nhà đầu tư đã hướng đến đối tượng khách hàng là người có tiền nên xây dựng toàn biệt thự. Nhưng những đối tượng có sức thanh toán như kỹ sư, giám đốc, người nước ngoài và có nhu cầu ở trong những ngôi nhà biệt thự không nhiều so với số đông người lao động bình dân. Bản thân các khu vực này cũng phát triển không nhanh như nhà đầu tư tính toán. Hơn nữa, mải tính thời cơ phát triển mà nhà đầu tư quên mất yếu tố cạnh tranh. Nhiều KĐT khác có điều kiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội tốt hơn... Nên Quang Minh trở thành một trong “những KĐT... vắng người”.
Khi tiền chôn chân một chỗ, doanh nghiệp sẽ gặp nguy hiểm về tài chính. Nhưng “các nhà đầu tư đó không có tội” - ông Liêm khẳng định một lần nữa. “Chỉ là khả năng phân tích thị trường, kiến thức về thị trường BĐS của họ kém mà thôi”. Nếu nói có tội thì phải kể đến chủ nhân của những biệt thự trị giá vài tỷ đồng xây dựng trong nội thành Hà Nội. Nhà đã xây thô xong nhưng chủ nhân không tiếp tục hoàn thiện, chủ yếu để đấy “găm tiền”. Tội của họ làm nhếch nhác, làm tổn hại đến cảnh quan đô thị. Đấy là chưa nói, chính những biệt thự bỏ hoang dễ bị các đối tượng nghiện hút, mại dâm lợi dụng để hoạt động, gây mất an ninh xã hội.
Với những trường hợp như thế, chính quyền cần có chế tài xử phạt. Trong trường hợp chủ nhân viện lý do không có tiền đầu tư hoàn thiện thì chính quyền thành phố (TP) mua lại, tiếp tục hoàn thiện và bán đấu giá cho đối tượng có nhu cầu ở khác. Để bảo đảm khách quan, giá trị của ngôi nhà sẽ được định bởi một tổ chức đánh giá độc lập.
Cũng theo ông Liêm, trên thực tế, không phải căn hộ chung cư nào để không cũng đều là đầu cơ. Có thể chủ nhân đang công tác nước ngoài, có thể họ chưa bán được nhà cũ, có thể căn hộ mới không thuận lợi cho việc học tập của con cái... nên họ chưa đến ở, có thể chủ đầu tư chung cư chưa bán được căn hộ. “Việc mua - bán, thuê - cho thuê BĐS do thị trường quyết định” - ông Liêm nói: Nhưng nếu nhà quản lý đô thị cho rằng việc bỏ không nhà là không được thì trước mắt có thể đánh thuế tài sản, thuế nhà đất, bất kể căn hộ đó có người ở hay bỏ không. Mức thuế có thể không cao nhưng khiến chủ nhân ngôi nhà có trách nhiệm hơn. Thậm chí, chính quyền cũng có thể thoả thuận với chủ nhân thuê lại các căn hộ đó trong khoảng thời gian nào đó (vì 3 năm không sử dụng, căn hộ cũng sẽ bị xuống cấp), rồi đứng trung gian, cho những đối tượng khác có nhu cầu ở thật thuê lại. Như vậy, TP vừa tôn trọng quyền sở hữu của chủ nhân, vừa tận dụng được những căn hộ bỏ không, vừa tăng được quỹ nhà của TP.
Tuy nhiên, những gì ông Phạm Sỹ Liêm nêu chỉ là những đề xuất mang tính lý thuyết. Trên thực tế, dường như những căn hộ, biệt thự bỏ không đang nằm ngoài sự quản lý của chính quyền đô thị.
(Theo Baoxaydung)