Thị trường bất động sản Hà Nội khó khăn, trong đó phân khúc đất nền chứng kiến sự giảm giá và ít giao dịch thành công.
Thị trường bất động sản Hà Nội khó khăn, trong đó phân khúc đất nền chứng kiến sự giảm giá và ít giao dịch thành công.
Sau 3 tháng “ngấm” đòn tín dụng, giá bất động sản tại Hà Nội đã ghi nhận một mặt bằng giá mới khá hấp dẫn, thấp hơn khoảng 25-40% so với lúc thị trường “sốt”.
Khảo sát tại nhiều sàn bất động sản cho thấy, giá đất nền tại nhiều khu vực giảm nhiều so với vài tháng trước đây. Điển hình như, đất Kim Chung - Di Trạch từ mức 55-60 triệu đồng/m2, đã xuống tới gần 20 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng một tháng rưỡi.
Tiếp tục đà giảm, dự án Vân Canh chào 47 triệu đồng mỗi m2 thì nay giảm xuống còn khoảng 40 triệu đồng. Một số khu vực khác như Geleximco, Bắc An Khánh, Nam An Khánh giá khoảng 36-40 triệu đồng mỗi m2. Tại Văn Phú cách đây một tháng vẫn chào tới 68-70 triệu đồng nay cũng chỉ còn khoảng 54 triệu đồng mỗi m2 nhưng cũng không có người hỏi mua.
Tương tự như khu vực phía Tây, các dự án bất động sản tại Long Biên, Gia Lâm cũng chứng kiến sự giảm giá. Đất nền biệt thự khu Việt Hưng được chào bán với giá từ 40 – 50 triệu đồng/m2, giảm hơn 10 triệu đồng mỗi mét vuông so với thời gian cách đây vài tháng. Dự án khu đô thị Sài Đồng đã hoàn thành phần thô cũng chỉ còn khoảng 60 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý II/2011, phân khúc biệt thự nhà liền kề chứng kiến sự sụt giảm về số lượng giao dịch thành công. Savills ghi nhận, trong tổng số 37.132 biệt thự và nhà liền kề từ 110 dự án tại Hà Nội, có 80 dự án đang được bán dưới dạng hợp đồng mua bán, 30 dự án còn lại được giao dịch dưới dạng hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, trong quý II/2011, có rất ít giao dịch thành công so với các quý trước đó.
Các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm và Hoàng Mai đứng đầu với mức giá chào thứ cấp trên 6.000 USD/m2. Hai huyện xa trung tâm là Mê Linh và Quốc Oai là nơi có mức chào thứ cấp thấp nhất, từ 1.000 USD/m2 tới 1.400 USD/m2. Mức giá một căn biệt thự dao động từ 300.000 USD tới 2,2 triệu USD, mức giá một căn nhà liền kề từ 200.000 USD tới 700.000 USD.
Khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, 70% số lượng dự án giảm giá, 20% giữ giá và 10 còn lại không có hoặc ít giao dịch. Mức độ giảm giá chào bán thứ cấp phổ biến trong khoảng 10 – 15% so với quý trước.
Các chuyên gia phân tích thị trường nhiều kinh nghiệm của các công ty tư vấn đều có chung nhận định rằng, việc giảm giá đất nền của các dự án bất động sản tại Hà Nội không phải là bất ngờ. Tốc độ giảm của mặt bằng giá đất nền Hà Nội khá nhanh trong thời gian qua, nhiều nhà đầu cơ phải bán tháo hàng để trả lãi và vốn cho ngân hàng.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường ảm đạm, tính thanh khoản ít, thì bất động sản chính là chỗ chôn vốn, không phải muốn bán là bán ngay được. Thực trạng “tiến thoái lưỡng nan” của người đi trước chính là tấm gương để những nhà đầu tư đi sau cân nhắc khi dành tiền cho bất động sản, khiến thị trường càng kém thanh khoản.
Ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản VN nhận định, Thị trường BĐS lên xuống tính theo chu kỳ, biên độ của nó khoảng 3-4 năm, lúc này là lúc khó khăn chung. Nếu cứ tiếp tục thắt chặt tín dụng thì chắc chắn các đơn vị đầu tư kinh doanh bất động sản tiếp tục chịu khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Bích Sơn, chuyên viên Phân tích cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thị trường CBRE Việt Nam, giá nhà đất tại các khu đô thị chỉ giảm so với quý trước nhưng vẫn còn cao so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là đợt trầm lắng đầu tiên kể từ suy thoái 2008-2009. Mặc dù giảm giá bán, song các dự án bán ra vẫn ở mức quá cao vượt quá khả năng của những người có nhu cầu thực.
Ông Lê Anh Dũng, một chuyên gia bất động sản nhận định, đất nền giảm giá chủ yếu tại các dự án đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân đất nền không còn hấp dẫn với nhà đầu tư như lãi suất tăng cao nhiều nhà đầu tư chọn gửi tiền vào ngân hàng là kênh an toàn. Bên cạnh đó, việc đầu tư theo tâm lý đám đông khiến nhiều người đang chờ đợi để theo dõi thị trường.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam cho rằng, chính sách thắt chặt tín dụng khiến việc tiếp cận vay vốn ngân hàng trở nên khó khăn, một số chủ đầu tư phải thay đổi chiến lược phát triển. Tuy nhiên, Savills kỳ vọng, tín dụng sẽ được nới lỏng, khi đó khó khăn sẽ qua đi và thị trường bất động sản bắt đầu sôi động trở lại.
Duy Khánh