Vụ tranh chấp quyết liệt trong việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP địa ốc Viễn Đông Việt Nam đã tác động không nhỏ tới giới đầu tư.
Thị trường bất động sản cả nước gần như rơi vào thực trạng “bất động” hơn 1 năm nay theo khó khăn chung của tình hình kinh tế, khiến hàng loạt nhà đầu tư, khách hàng khốn đốn. Tại Đà Nẵng, xuất hiện những đồn thổi về việc nhiều doanh nghiệp phá sản, doanh nhân BĐS vỡ nợ... làm giới đầu tư càng thêm lo lắng.
Mới đây, lại xảy ra vụ tranh chấp quyết liệt trong việc chuyển nhượng cổ phần tại Cty CP địa ốc Viễn Đông Việt Nam (VDL) ở Đà Nẵng, làm những lo ngại trên thêm diễn biến phức tạp...
Chiếm đất vàng...
Từ tháng 5.2008, UBND TP.Đà Nẵng đã cấp giấy phép đầu tư xây dựng toà tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers với quy mô gần 200 triệu USD ngay giữa trung tâm TP. Khu đất “vàng” toạ lạc tại 84 Hùng Vương, quận Hải Châu với gần 12.000m2. Dự án được mô tả gồm 2 toà tháp cao nhất miền Trung (220m, gồm 48 tầng). Lập tức, trụ sở Trung tâm VH-TT của TP, công viên trung tâm... được giải toả khẩn cấp, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Dự án này do Cty CP VDL làm chủ đầu tư. Lúc bấy giờ, VDL có 5 cổ đông, đại diện phần vốn của Cty CP công nghệ viễn thông SG, Cty CP đầu tư XD Trung Nam - TNG; Cty CP tư vấn và chuyển giao công nghệ Viễn Đông - VDC cùng 2 cá nhân khác.
Dự án được đặt ra sự tin tưởng lớn của chính quyền, làm thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị ở vị trí trung tâm TP. Tuy nhiên, không lâu sau, dự án rơi vào tình trạng xây lô cốt, bỏ hoang nhếch nhác. Trước thực trạng ấy, năm 2009, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản đôn đốc, đề nghị đến hết 30.7.2009 phải tái khởi động, nếu tiếp tục chậm trễ sẽ bị thu hồi. Đối phó với chủ trương kiên quyết của chính quyền, ngày 25.7.2009 VDL đã khởi công dự án, cam kết hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 12.2012. Tuy nhiên, dự án có “khởi” mà không “động”, khu đất có giá trị vào loại bậc nhất giữa trung tâm Đà Nẵng trở thành bãi hoang, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Bán lúa non
Sự chậm trễ, khất hứa nhiều lần của VDL chưa được giải thích rõ, thì cuối năm 2011 lại xảy ra tranh chấp trong việc chuyển nhượng cổ phần của nội bộ VDL. Theo đó, cổ đông mới - người được chuyển nhượng là ông Nguyễn Sơn (trú ở 41/8, Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM) đã phát đơn khởi kiện các cổ đông (Cty CP đầu tư XD Trung Nam - TNG và Cty CP đầu tư và chuyển giao công nghệ Viễn Đông - VDC) với lý do bán khống hơn 2.000 cổ phần. Theo đó, ông Sơn cũng đề nghị Ngân hàng Phương Tây, sở giao dịch Cần Thơ - nơi phát chứng thư bảo lãnh thanh toán thay ông Sơn - ngừng chi trả cho các đối tác này 90 tỉ đồng (50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng). Đến khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa các cổ đông thì người dân Đà Nẵng mới biết được bản chất của việc chuyển nhượng cổ đông, bỏ hoang “đất vàng” giữa trung tâm TP này là do nhà đầu tư - VDL - đã “bán lúa non” dự án tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers.
Tại cuộc họp báo mới đây của TNG tổ chức tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng GĐ TNG (cũng chính là nguyên Tổng GĐ VDL, trước khi chuyển nhượng cổ phần, bán dự án cho ông Sơn) đã bác bỏ mọi cáo buộc của ông Nguyễn Sơn; khẳng định TNG không bán khống cổ phần, không bán khống nợ... và đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, buộc ông Nguyễn Sơn cũng như Ngân hàng Phương Tây phải thanh toán số tiền còn lại theo hợp đồng chuyển nhượng đã ký kết.
Giải quyết tranh chấp này còn phải tốn nhiều thời gian và chờ sự phán quyết của toà, trọng tài kinh tế hoặc cơ quan điều tra (theo đề nghị can thiệp của các bên), song TNG và VDL đã tự đánh mất uy tín, niềm tin của chính quyền lẫn người dân Đà Nẵng. Hậu quả kinh tế - xã hội và môi trường, trước mắt TP.Đà Nẵng là nơi phải gánh chịu. Đặc biệt, các nhà đầu tư thứ cấp, người dân - là khách hàng mua bán đất tại các dự án của TNG đang hoang mang, lo ngại. Nhất là tại dự án Goldent Hill của TNG - nơi đã từng xảy ra việc nhân viên TNG hành hung người dân khi họ phản đối dự án gây ô nhiễm môi trường vào cuối năm 2011.
(Theo Lao động)