Savills cho biết, phân khúc nhà ở vẫn có rất nhiều tiềm năng trong tương lai, bởi, dân số nước ta là dân số trẻ và nhu cầu tách hộ của các gia đình cũng cao.
Savills vừa công bố bản Báo cáo tổng quan bất động sản Việt Nam 20 năm (1995-2015) đã cho thấy, dù thị trường đã trải qua nhiều thăng trầm, song, trong thời gian qua, phân khúc nhà ở để bán vẫn ghi nhận sự phát triển đều cả về số lượng lẫn chất lượng.
Cụ thể, về nguồn cung, nếu ở Tp.HCM, bắt đầu từ năm 1995 đã có một số dự án căn hộ được triển khai thì 2 năm sau, Hà Nội mới có sự hiện diện của phân khúc này với các dự án nổi bật như KĐT Định Công, Linh Đàm. Tại thời điểm này, quy mô các dự án chỉ đạt vài nghìn căn hạng trung, được đầu tư bởi một vài doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trong tương lai, phân khúc nhà ở vẫn có rất nhiều tiềm năng.
Lượng cung này đã đạt đến 100.000 căn trong quý I/2015 với các sản phẩm đa dạng từ rẻ đến cao cấp. Chủ đầu tư trong nước không còn đóng vai trò độc quyền trên thị trường khi các doanh nghiệp FDI đã đổ vốn vào nhiều dự án có quy mô lớn. Từ việc chỉ quan tâm đến số lượng, các đơn vị đã chú trọng nhiều hơn đến vấn đề chất lượng nhà ở, đặc biệt là sau thời kỳ "bong bóng" thị trường bị vỡ ở giai đoạn 2008-2011, đồng thời, cũng thanh lọc được rất nhiều doanh nghiệp bất động sản yếu kém.
Cùng với đó, giá nhà đất cũng có sự thay đổi rõ rệt ở cả 2 thị trường lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Từ mức 200 USD/m2 và có sự tăng giảm sau mỗi một chu kỳ phát triển của thị trường, đến nay, giá bình quân đang đạt mức 1.200 USD/m2 trên cả 2 thành phố lớn.
Trưởng bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng cho biết: Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính diễn ra vào năm 1997 và sự sụt giảm của thị trường tài chính năm 2003 đã khiến giá căn hộ chung cư tại Tp.HCM sụt giảm mạnh, tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội dường như chỉ chịu tác động nhẹ, thậm chí, tại thời điểm lãi suất ngân hàng đến 20% ở năm 2008 thì vẫn có không ít chủ đầu tư thực hiện vay vốn để triển khai dự án. Thực tế này chứng tỏ sự tăng trưởng của thị trường bất động sản ở khu vực miền Bắc rất nóng, đến tận năm 2010 người ta mới nhìn thấy sự thay đổi thực sự.
Theo các chuyên gia, chu kỳ của thị trường bất động sản Việt Nam không thực sự rõ nét, nhưng nếu so sánh với một số quốc gia khác thì nó khá ngắn, khoảng chừng 5 năm, trong khi ở Anh hay Mỹ, Úc dao động trong khoảng 7-10 năm. Điều đó chứng tỏ một điều, bất động sản Việt Nam mới đang ở giai đoạn bắt đầu và chưa phát triển thực sự.
Trong thời gian tới, số lượng các dự án căn hộ để bán sẽ gia tăng, bởi, dân số trẻ của Việt Nam đang tăng lên, đồng nghĩa với việc nhu cầu về nhà ở cũng sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, cũng đang diễn ra những thay đổi căn bản về dân số Việt Nam khi tỷ lệ hộ gia đình đã giảm từ 4,7 người/hộ xuống 3,6 người, từ năm 1995 đến năm 2014. Sở dĩ có sự giảm này là do thế hệ trẻ ngày càng thể hiện sự độc lập hơn, kéo theo những hộ gia đình có 3 thế hệ cũng sinh sống trong một căn nhà đã giảm xuống đáng kể.
Và nhu cầu về sống độc lập tăng cao chính là điều kiện tạo đà phát triển cho cho thị trường căn hộ chung cư trong tương lai.