Khi thị trường có những biến động nhất định, không ít người có một số vốn nho nhỏ thấy “nhấp nhổm” không yên. Họ đi tìm đất xa và tổ chức thành “nhóm” nhà đầu tư nhỏ để gom vốn đầu tư chờ đất lên.
Khi thị trường có những biến động nhất định, không ít người có một số vốn nho nhỏ thấy “nhấp nhổm” không yên. Họ đi tìm đất xa và tổ chức thành “nhóm” nhà đầu tư nhỏ để gom vốn đầu tư chờ đất lên.
Vốn còi, đua nhau về... quê
Cái tiếng “nhà đầu tư” thực chất là quá sang để gọi người có chút tiền nhàn rỗi. Họ là người buôn bán nhỏ, công chức hoặc người vừa được bố mẹ chia cho món tiền nào đó.
Chứng kiến một cuộc “họp” các nhà đầu tư nhỏ, tôi thấy được “bộn bề” lo lắng của những người này. Chị Hằng, giáo viên ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Với khoảng vài trăm triệu đồng, nếu gửi tiết kiệm thì thắc thỏm sợ để lâu quá…tiền sẽ không còn nguyên giá trị. Mua vàng trang sức cũng có vẻ mạo hiểm, trữ USD cũng không có “hứa hẹn”gì. Bạn bè bảo nhau chỉ còn cách đầu tư bất động sản.”
“Nhưng vốn còi, nếu đầu tư vào bất động sản ở phố may ra mua được vài mét đất ở hẻm xa, ngõ sâu, nên theo bạn bè tìm đất quê, mà đất quê thì cũng phải chung 4-5 người mới được một mảnh cho ra tấm, ra món."
Tương tự, anh Nam, một công chức văn phòng bảo: “ Tiền ít nên buộc phải ‘đánh bắt xa… nội thành’ thôi. Tôi quyết định ‘bỏ đi thật xa,’ hy vọng sẽ có một mảnh đất “tử tế” hơn…”
Các nhà đầu tư như chị Hằng, chị Hương và anh Nam luôn “nhìn lưng người đằng trước” để mơ ước. “Lưng” người đằng trước của họ là vợ chồng người bạn sang Đông Anh mua đất thành công. Nghe đâu chỉ sau một năm, từ việc “ném vào một mảnh đất” 800 triệu, nay “người ta trả” 2 tỷ rưỡi. Nhưng anh chị này không muốn bán vì sợ “ôm tiền” lại không mua được ở đâu hời nữa…
Nhưng ai dè các “nhà đầu tư” đã long đong bước vào “mê cung hồn trận,” mê cung này thử thách lòng tham lời của người bỏ vốn. Và, canh bạc cũng mở ra từ đây!
Đạo diễn "cò" vừa làm giá, vừa ôm sổ đỏ
Tôi lên đường theo một “nhà đầu tư… còi” đi “mua” đất . Chị nói: “Thôi đành chịu khó,” có lẽ những đồng tiền đang nhún nhảy trong hầu bao nhỏ của chị.
Bắt đầu từ một tấm biển quy hoạch dựng lên giữa đường, sau lưng là cánh đồng mênh mông. Chỉ thế thôi cũng đủ khu dân cư cách đó vài cây số “sôi sình sịch,” đó là chuyện về tấm biển quy hoạch khu công nghiệp và đô thị Thuận Thành III.
Chúng tôi “xe máy đường xa” đi riết đến Thuận Thành, Bắc Ninh với hy vọng bời bời. Đầu tiên, theo giới thiệu chúng tôi gặp được “nhà cò uy tín nhất vùng” vì luôn lo trọn gói cho ai gửi gắm. Người mua đất gửi sổ đỏ vào két sắt của anh ta. Ai đến mua được anh này lấy sổ cho xem, dắt đi coi đất.
Khách đồng ý giá thì chồng tiền làm thủ tục. Nhà cò gọi chủ gửi sổ đỏ, trao tiền. Hoặc tìm cho gia chủ này mảnh khác, chuyển đổi và tính trả tiền lãi chênh lệch. Tất nhiên từ khâu làm giá, tạo thị trường đến khâu “phần trăm hoa hồng” anh cò đã “lĩnh” đủ.
Khi chúng tôi bước vào, nhà cò hỏi trịnh trọng: “Các chị muốn mua mảnh cỡ nào. Có bao nhiêu tiền.” Tôi rụt rè: “Nghe nói, anh đang có mảnh 80m2 giá khoảng 2,5 triệu một mét...” Anh ta ngắt lời: “Có. Giá nào, cỡ nào cũng có. Sổ đỏ nghiêm chỉnh, đã chia sổ hay chưa chia đều có. Tóm lại là có bao nhiêu?”
Bạn tôi đáp: “Trên 200 triệu.” Anh “cò uy tín” bảo: “Cố thêm đi, khoảng 300 triệu thì đang có một mảnh đấy. Sau đó, một “người nhà” của anh ta đưa tôi đi qua cánh đồng mênh mông, vào sâu trong xóm làng phảng phất mùi rạ ải, mùi phân ủ …
Anh “hoa tiêu” này đưa tay chỉ vào một khu vườn cằn, có mái bếp cũ, có chuồng heo…và bảo: Đây “đất của chị” sẽ tính từ nửa tường này đến mép mái kia nhé!
Tôi hỏi: “Mặt tiền bao nhiêu?" Anh này sải chân nhảy khoảng bốn năm bước rồi nói: "Mặt tiền khoảng 5m, đẹp quá rồi!”
Tôi ngơ ngác hỏi: “Thế mặt tiền đâu? Anh ta bảo, khi nào xây xong tường kia thì quay ra mặt này, hiểu chưa?” Quả tình tôi chả hiểu gì…nhưng nhìn anh ta nhiệt tình giơ tay chém chém trong khoảng không tôi đành gật gù.
Tôi hỏi: “Thế góc kia của ai?” Đáp: “Của một người Hà Nội về mua đấy. Chị có mua không tôi gọi điện cho họ bán cho.” Hỏi: “Họ có bán không?” Đáp: “ Có chứ! Mua không bán thì để làm gì?”
Tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết, mảnh đất “nghe nói” 2,5 triệu/ m đã lên 4 triệu. Một người từ Hà Nội về mua. Bây giờ muốn mua cũng phải 4,2 triệu đồng mới bán. Một ngày rất gần. sẽ có người về mua giá đó và một tháng sau ai muốn mua lại là 5-6 triệu đồng.
Đất chờ “đại gia yêu quê hương!”
Dò hỏi qua một bác trung niên chăn trâu, tôi được biết: “Nhà chủ bán lâu rồi, bây giờ vẫn nhiều người về mua…Cái nhà anh ấy dẫn đám này, đám kia vào luôn ý mà. Nhà anh ta giữ sổ đỏ. Cứ người sau mua hơn giá người trước thôi. Toàn dân Hà Nội các chị về cả. Không ai mua ở đâu, toàn rình bán lại cho nhau.”
Tôi hỏi: Có bao giờ các bác ở đây nghĩ sẽ mua lại đất đã bán không? Đáp: “Mua làm sao được. Bây giờ đắt lắm rồi. Người làng bảo chỉ có con cái phương trưởng ở phố quay về mua mới nổi. Nhưng ‘còn xơi’ mới có con cháu giàu về làng mua lại những chỗ đất ấy.”
Bóng chiều chuyển sang tối, đường về còn xa. Chúng tôi lặng lẽ nghĩ, ai sẽ là người từ phố về mua quyền sử dụng đất ở quê người ta mà xây nhà. Chủ sử dụng thực thụ của những miếng đất người phố ít vốn về quê mua nối nhau này sẽ là ai?
Trong đám nhà đầu tư cưỡi trên lưng nhau bằng giá đất đội lên kia, có ai trụ lại xây “trang trại vài chục mét.” Không có câu trả lời chỉ muỗi vo ve bay đầy mặt người xa phố.
Chúng tôi lặng lẽ ra về, chị bạn không được việc nhưng lại bỗng an tâm là mình chưa mua lại góc nhỏ vườn cằn nên chưa nhập vào dãy xếp hàng hồi hộp chờ "bán" truyền, kiểu đầu tư nối đuôi đầy bấp bênh.
(Theo Vietnam+)