Giá nhà đất tiếp tục tăng cao làm cho cơ hội của đại bộ phận người dân sở hữu nhà ở riêng gặp khó khăn. Thuê nhà sẽ là một giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Giá nhà đất tiếp tục tăng cao làm cho cơ hội của đại bộ phận người dân sở hữu nhà ở riêng gặp khó khăn. Thuê nhà sẽ là một giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, mỗi năm dân số Việt Nam tăng trên 1 triệu người, trong khi diện tích nhà ở bình quân của một người là 18,6m2. Để diện tích bình quân không giảm, mỗi năm phải có thêm khoảng 19 triệu m2 nhà ở.
Tổng số hộ có nhà ở trên cả nước là 22.186.275 hộ, tỷ lệ số hộ không có nhà ở khoảng 0,52‰. Trong đó, tại khu vực đô thị: số hộ có nhà ở: 6.756.726 hộ, tỷ lệ số hộ không có nhà ở khoảng 0,67‰ (khoảng 4.502 hộ).
Tại thời điểm 01/4/2009, diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người đạt 16,7 m2 sàn/người, trong đó: tại khu vực đô thị 19,2 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn 15,7 m2 sàn/người.
So với các nước trong khu vực thì diện tích nhà ở bình quân trên đầu người của nước ta còn thấp, ví dụ: ở các thành phố lớn của Trung Quốc là từ 25-29m2/người; Thái Lan là 22m2/người; Malaysia là 31m2/người.
Trong 6 vùng trên cả nước thì khu vực Đông Nam Bộ đạt 17,4 m2 sàn/người, là khu vực có diện tích nhà ở bình quân trên đầu người cao nhất cả nước; khu vực Đồng bằng Sông Hồng đạt 16,5 m2 sàn/người, khu vực Tây Nguyên có diện tích nhà ở bình quân trên đầu người đạt 14,8 m2 sàn/người thấp nhất cả nước.
Đến nay, trên cả nước có khoảng 486 khu đô thị mới có quy mô từ 20 ha đến trên 1.000 ha với tổng diện tích đất theo quy hoạch dự kiến là 74.057 ha, trong đó có nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa tiến hành triển khai.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở của người dân hiện còn rất lớn. Bình quân diện tích nhà ở trên đầu người ở Việt Nam mới đạt trên 13 m2. Mục tiêu là đến năm 2015 theo Quyết định của Thủ tướng phải đạt 15 m2/đầu người và đạt 20 m2/đầu người vào năm 2020.
Nhu cầu về nhà ở cho những người thu nhập thấp và những người mới di cư về các khu đô thị trong tương lai dự báo sẽ ở mức cao cùng với việc đô thị hóa và việc phát triển kinh tế của đất nước.
Hiện tại, theo hình thức sở hữu nhà ở thì sở hữu riêng là phổ biến. Hình thức sở hữu riêng sẽ làm cho đại bộ phận người dân với thu nhập như hiện nay khó có cơ hội tiếp cận được nhà ở do giá nhà cao hơn so với các hình thức sở hữu khác. Mặt khác, thói quen sở hữu riêng về nhà ở có thể gây nên tâm lý người dân chỉ lo tích lũy một lượng lớn tiền cho việc mua nhà mà không xem xét đầu tư vào các lĩnh vực khác, phần nào đó có thể gây lãng phí nguồn vốn của xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê sẽ là một giải pháp để người dân có chất lượng sống tốt. Do đặc thù của quá trình phát triển kinh tế, giá nhà đất có thể sẽ tiếp tục tăng cao làm cho cơ hội của đại bộ phận người dân có thể sở hữu nhà ở riêng sẽ rất khó khăn.
Chính vì vậy, cần phải xây dựng chính sách nhà ở xã hội để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được với vấn đề nhà ở. Để phù hợp với nhu cầu cần cải thiện chỗ ở, phù hợp với thu nhập người dân, cần đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở cho thuê.
Quỹ nhà ở cho thuê được phát triển bởi chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ về đất, tài chính, cơ sở pháp lý.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị phát triển đa dạng các loại nhà ở để bán và cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư; khuyến khích phát triển nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại đô thị để góp phần tăng quỹ nhà ở, tiết kiệm đất đai, tạo nếp sống văn minh đô thị; hạn chế, tiến tới chấm dứt việc giao đất lẻ cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở; nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở tự phát tại các đô thị.
Duy Khánh