Những chính sách giải cứu thị trường BĐS của các cơ quan chức năng, mà trực tiếp là Bộ Xây dựng, đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực lan tỏa trên thị trường.
Những chính sách giải cứu thị trường BĐS của các cơ quan chức năng, mà trực tiếp là Bộ Xây dựng, đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực lan tỏa trên thị trường.
Điều này có thể thấy rõ qua việc giá nhà dần giảm nhiệt, nhiều dự án xin chuyển đổi sang nhà ở thương mại, nhà ở thu nhập thấp, các dự án nhà giá rẻ được chú trọng hơn. Tuy nhiên, những chính sách này cũng đang gây nên những cơn “sóng ngầm” trên thị trường.
Sau phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mà đa phần trong đó, các đại biểu không hoàn toàn tán thành việc Nhà nước ra tay ứng cứu, một câu hỏi tưởng chừng như đã có lời đáp lại tiếp tục lơ lửng: Thị trường đã “đáng” để giải cứu chưa?
Và liệu việc giải cứu này sẽ làm lợi cho dân, cho nền kinh tế hay sẽ “béo” một nhóm nhỏ những nhà đầu cơ, tích trữ đang cố gắng “ém hàng”, chờ đợi thị trường ấm lên để kiếm lợi.
Trên thực tế, dù giá nhà được đánh giá giảm nhiều, thậm chí 1 số dự án chung cư giảm đến 30%, thị trường BĐS 1 năm qua chỉ đón nhận được vài thông tin vui qua những dự án nhà trên 10 triệu đồng/m2, hoặc vài dự án nhà thu nhập thấp đã đến kỳ bàn giao.
Còn lại, số lượng nhà tồn kho vẫn như một khối băng khổng lồ mà sức nóng của nguồn cầu nhà ở đông đảo - những người có thu nhập thấp đến trung bình khá - vẫn chưa đủ sức rã băng.
Nhìn dưới góc độ doanh nghiệp (DN), năm 2012 thị trường BĐS được xem là thê thảm chưa từng có và DN “chết” hàng loạt khiến cơ quan chức năng sốt ruột, nhưng con số DN xây dựng lãi vẫn ở mức lớn: trên 65%.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại hội nghị toàn ngành, trong tổng số 55.870 DN đang hoạt động, có 37.197 DN báo lãi và 17.000 DN thua lỗ. Với con số này, khó có thể nói đây là năm “thảm họa” đối với DN xây dựng.
Dù có gần 700 DN mà ngành nghề kinh doanh chính liên quan đến BĐS “chết” trong năm 2012, con số lãi-lỗ chênh lệch hơn gấp 2 lần trên vẫn làm nhiều người suy nghĩ. Chưa hết, việc chuyển đổi hay hạ giá thành căn hộ trong thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế dưới sức ép của thị trường và sự thờ ơ của người tiêu dùng.
Khi thị trường ấm lên, chắc chắn sẽ không DN nào “dại dột” hạ giá hay chuyển sang nhà giá thấp, bởi dù được ưu đãi, mức lãi họ thu về sẽ không thể như trước.
Những “mảnh ghép” trên đã khiến dư luận trở nên trái chiều trong việc cứu hay không cứu BĐS. Nhiều luồng ý kiến cho rằng cùng với những chính sách giải cứu của Bộ Xây dựng, không ít DN và giới đầu cơ “ém hàng”, kiên quyết không giảm giá để chờ những chính sách tốt hơn.
Điều này ắt hẳn không có lý khi thị trường BĐS qua gần 3 năm đóng băng vẫn không thể giảm giá về mức người dân có thể mua được.
Đây cũng là yếu tố các cơ quan chức năng cần xem xét, suy tính trước khi có những động thái tác động để thị trường đi đúng hướng, như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Trong phương án tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS, những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn những người giàu. Bởi lẽ nếu làm không khéo, nguy cơ thị trường rối, thậm chí sản sinh ra những giá trị ảo hoàn toàn có thể xảy ra”.
(Theo SGĐT)