Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài khóa đều đã không còn, trong khi lĩnh vực xây dựng vốn đóng góp 8-10% GDP lại đang suy giảm.
Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài khóa đều đã không còn, trong khi lĩnh vực xây dựng vốn đóng góp 8-10% GDP lại đang suy giảm.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS), kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2012 mặc dù đã có những cải thiện đáng kể song vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, biểu hiện qua các chỉ số vĩ mô vẫn chỉ dao động quanh mức thấp.
Chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 10 đã tăng 5,8% so với tháng 9. Song, nếu so sánh theo tốc độ tăng bình quân tháng so với cùng kỳ thì sau 5 tháng gần như liên tục tăng dần đều (từ tháng 5 đến tháng 9/2012), đến tháng 10 tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ (chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước).
Ngoài ra, UBGS cũng lưu ý, những ngành sản xuất có sản lượng suy giảm tập trung chủ yếu vào các ngành nghề có liên quan lĩnh vực xây dựng - bất động sản. Cụ thể, thống kê 10 tháng so với cùng kỳ năm 2011, sản lượng xi măng giảm 5,1%; thép tròn giảm 9,8%; thép thanh, thép góc giảm 5,2%; kính thủy tinh giảm 17,3%; gạch xây bằng đất nung giảm 4,9%; gạch lát ceramic giảm 3%; điều hòa nhiệt độ giảm 14,1%.
Do đó, cơ quan này cho rằng, chính sách trong thời gian tới cần nhanh chóng đẩy mạnh những biện pháp làm gia tăng tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Điều ưu tiên là phải tăng cường hơn nữa những hỗ trợ nhằm giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Một trong những kiến nghị mà Ủy ban đưa ra đó là đẩy mạnh phát hành trái phiếu công trình nhằm kích cầu kinh tế để giải phóng hàng tồn kho.
Quan sát chuỗi số liệu từ năm 2005 đến nay, UBGS cho rằng, lĩnh vực xây dựng (tính theo giá so sánh) có đóng góp tới 8-10% vào tổng sản lượng quốc nội (GDP) hàng năm và luôn duy trì được tốc độ tăng mạnh từ 10-12% năm. Tuy nhiên, năm 2012 đã là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng và tăng trưởng của lĩnh vực này suy giảm.
Việc khôi phục lĩnh vực xây dựng sẽ giúp kích cung và cầu của nển kinh tế. Tuy nhiên, dư địa để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hiện nay lại chỉ còn rất hẹp. Đối với chính sách tiền tệ, do lạm phát tăng cao hơn dự báo cũng như chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa USD và VND đang ở mức ổn định hợp lý nên lãi suất khó có thể giảm sâu hơn nữa.
Tương tự, đối với chính sách tài khóa, UBGS cũng cho rằng, để đảm bảo giữ mức bội chi ngân sách nhà nước ở mức dưới 4,8% GDP như Quốc hội để ra trong khi tình hình thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn thì cũng sẽ khó có nguồn để tăng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, khả năng kích cầu kinh tế với chính sách tài khóa gần như cũng không còn.
Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp đó, Uỷ ban kiến nghị, có thể sử dụng giải pháp khác là phát hành trái phiếu công trình có định hướng tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, gây tác động lan tỏa nhằm kích cầu để tăng trưởng kinh tế sớm có thể hồi phục.
Bên cạnh đó, để khơi thông nguồn vốn tín dụng, vấn đề cốt lõi của chính sách hiện nay là phải ưu tiên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. UBGS cho rằng, nên coi đây chính là khâu đột phá quan trọng để ngăn chặn tình trạng đóng băng tín dụng dẫn đến suy giảm kinh tế trong thời gian qua….
Đồng thời, để quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu có thể đẩy mạnh một cách thực chất, UBGS cũng đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện nhanh nền tảng pháp lý cho việc mua bán nợ, thanh lý tài sản trong tiến trình xử lý nợ xấu, đồng thời có những chính sách ưu đãi về thuế và phí cho những tổ chức tài chính liên quan đến mua bán nợ xấu.
(Theo Dân trí)