Nhiều báo cáo quý I công bố số liệu tích cực về vận động, thanh khoản thị trường nhà đất Hà Nội được. Giao dịch (tính tới tháng 1 vừa qua) ghi nhận sự tăng trưởng trên nhiều phân khúc. Tuy nhiên, phản hồi từ giới trung gian, môi giới lại tỏ ra bi quan.
Dù tốc độ, tần suất PR vẫn rầm rộ nhưng các dự án đình đám như HDMonCity, EcoGreenCity, Ecolife Capitol hay cũ hơn như 283 Khương Trung không còn sức hấp dẫn “khó chối từ” như thời gian trước.
Trái hẳn với sự náo nhiệt ở các buổi giới thiệu, công bố hợp tác đầu tư và phát triển giữa các bên (chủ đầu tư, nhà phân phối, đơn vị quản lý lẫn ngân hàng), sự im lặng “đáng sợ” của thị trường người mua (chiếm tỷ lệ vượt trội so với nhà đầu tư chuyên nghiệp) đang bao trùm phần lớn thời gian tháng 2 – tháng 3.
Khách chủ yếu…tham khảo
Nói về nốt trầm của thị trường, ông Hoàng Minh (phụ trách một văn phòng nhà đất ở quận Cầu Giấy) lấy ví dụ một dự án ở Mỹ Đình, quy mô gồm cả hạng mục chung cư lẫn biệt thự liền kề.
Dự án được một ngân hàng có tên tuổi tài trợ kiêm bảo lãnh tín dụng cho người mua (đáp ứng Luật Kinh doanh BĐS 2014). Chủ đầu tư được cho là “mạnh vốn, giàu tham vọng” và đã khẳng định thương hiệu bước đầu ở các dự án thương mại quy mô “khủng” ở Quảng Ninh, Hà Nam…
Sau hai đợt chào bán đầu tiên, những suất ngoại giao chừng 28 triệu đồng/m2 (dự án tại Mỹ Đình) thu hút đông đảo quan tâm của dư luận thị trường.
“Chưa rõ có phải do chủ đầu tư tự PR cho dự án về số lượng giao dịch thành công (đặt cọc, giữ suất hoặc vào hợp đồng) hay không nhưng mới đây, chủ đầu tư tăng giá lên 34-35 triệu đồng/m2, thì gần như… không ai hỏi” – ông Minh lo ngại.
Ông Minh cho rằng có thể thời điểm đầu năm khách hàng đang “mải” lễ hội nên ít chú tâm đến thị trường; nhưng cũng có thể do giá trị căn hộ bị “đẩy” lên tới 7-8 giá (triệu)/m2, đúng với thời điểm những đồn đoán về tín dụng cho BĐS bị siết lại, đã khiến những khách hàng không chủ động về tài chính thay đổi quyết định.
Không riêng phân khúc cao cấp, ở các dự án thường thường bậc trung như 283 Khương Trung hay Ecolife Capitol, trạng thái “đói giao dịch” dường như cũng đang bao chùm.
Các dự án đình đám trước đó không còn hấp dẫn trên thị tường (ảnh minh họa)
Có mặt trên thị trường trong năm 2015, dự án 283 Khương Trung (Videc Tower) đã ghi nhận giao dịch tích cực thời gian đó. Tuy nhiên, theo một số môi giới bán hàng dự án, các chiến dịch PR (bao gồm cả rải tờ rơi quảng cáo lẫn trên chợ trực tuyến) từ đầu 2016 tới nay chưa thu được kết quả tương xứng.
“Qua mỗi đợt bán, khách chỉ tham khảo về giá thành, các suất ngoại giao giá “mềm” (so với đơn giá cùng thời điểm). Còn gần như không phát sinh giao dịch thực tế”.
Những thước đo giá trị
Hiện nay, người mua nhà (đặc biệt đối với căn hộ dự án chung cư thương mại) vẫn căn cứ vào những thông báo về tình trạng tài chính, chấp hành nghĩa vụ thuế của DN làm chủ đầu tư để làm thước đo giá trị.
Khi DN bị “bêu tên” trong danh sách các đơn vị nợ đọng tiền thuế, tiền thuê đất với cơ quan chức năng, thì nghiễm nhiên thanh khoản dự án của DN “khựng” lại.
Điển hình như: Tháng 2/2016, khi Handico 68 bất chợt xuất hiện bị Cục Thuế Hà Nội thông báo cưỡng chế bằng biện pháp vô hiệu hóa đơn. Giữa năm 2015, Handico 68 (chủ đầu tư dự án 304 Hồ Tùng Mậu) công bố về vai trò “nhà tài trợ vốn” của HDBank. Sau “tin dữ” về hóa đơn, nhóm khách hàng mua nhà tại 304 Hồ Tùng Mậu được “trấn an” về chấp hành nghĩa vụ thuế của Handico 68. Hiện, dự án đang tăng tốc về đích (dự kiến bàn giao cho khách hàng trong năm nay).
“Sự việc có thể đã được Handico 68 giải quyết nhờ vai trò đắc lực của ngân hàng. Nhưng với những cá nhân khách hàng đang lên kế hoạch mua lại các suất căn hộ được chào bán ở dự án này, hưng phấn và quyết tâm đã không còn” – nhà đầu tư Thu Hà ( quận Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Hay mới đây khi một loạt sai phạm ở dự án Diamond Blue (69 Triều Khúc, quận Thanh Xuân) được bóc tách đã có nhiều phản hồi “lo ngại” từ phía khách hàng đã và đang “nuôi” kế hoạch giao dịch tại dự án này.
Dự án này cũng trở thành tâm điểm trên một số diễn đàn về nhà đất, thu hút sự chú ý của những người thạo luật và “thuộc nằm lòng” các chiêu trò bán hàng của giới “cò mồi”.
Một bình luận cho rằng: “Dự án thi công và bán hàng kiểu này thì quá nguy hiểm. Ai đã trót giao dịch căn hộ với các hồ sơ, giấy tờ “lỏng lẻo” về điều khoản, lẫn trách nhiệm của pháp nhân bán hàng, thì nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” là rất cao”.