Kết thúc 3 tháng đầu năm, kết quả sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp BĐS trong Nam ngoài Bắc không lấy gì sáng sủa.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, kết quả sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp BĐS trong Nam ngoài Bắc không lấy gì sáng sủa.
Tất cả những dự kiến, kế hoạch của phần đông doanh nghiệp đối với các tháng còn lại của năm 2012 vẫn phổ biến là "cắt giảm", "lựa chọn" và "thận trọng"...
TP.HCM: Sóng giảm giá tiếp diễn
Dù không được công khai thông báo rầm rộ nhưng những người quan tâm đến dự án căn hộ Petrovietnam Landmark tại quận 2, TP.HCM đều ít nhiều nắm được động thái điều chỉnh giảm giá thêm những ngày cuối quý I/2012, so với thời điểm quý IV/2011.
Theo đó, thời điểm quý IV/2011, Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) đã thông báo đại hạ giá 35% đối với 85 căn hộ mà họ là nhà đầu tư thứ cấp tại dự án Petrovietnam Landmark. Điều này tương ứng với mức giảm từ trên 23 triệu đồng xuống còn 15,5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên tổng kết đợt bán hàng đặc biệt và truyền thông quá lời về đại hạ giá sản phẩm, cắt lỗ 70 tỷ đồng, PVL chỉ tiêu thụ được 6 căn hộ thông qua hình thức bốc thăm đấu giá. Mức giá thấp nhất mà khách hàng chốt mua được tại dự án là 16,5 triệu đồng/m2. Còn lại giá được đẩy lên ở các mức cao hơn là 16,8 và 17,1 triệu đồng/m2.
Những ngày cuối tháng 3/2012, giá căn hộ tại Petrovietnam Landmark được chào chỉ còn 15,1 triệu đồng/m2 trong khi thời hạn giao nhà cam kết ngày càng đến gần là tháng 8/2012. Lần này một đơn vị khác đứng ra đảm nhiệm việc bán hàng với số lượng 20 căn là Vietcomreal.
Khác với sự âm thầm điều chỉnh giảm giá của dự án nói trên, cũng tại TP.HCM, đại gia sở hữu nhiều dự án BĐS là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại có vẻ luôn hành động thức thời và đưa ra những tuyên bố gây sốc cho các bên liên quan.
Được coi là người đi đầu giảm giá căn hộ một dạo tại thị trường TP.HCM năm 2009, hồi đầu năm 2012, bầu Đức còn phát ngôn gây chú ý đúng lúc thị trường trong cơn khốn quẫn nhất, là sẽ rút khỏi thị trường BĐS sau 3 năm nữa và đang chuyển trọng tâm từ BĐS sang các lĩnh vực khác như cao su, thủy điện...
Tuy nhiên mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức lại gây chấn động bằng thông tin, vài tháng tới sẽ có khoảng 2.000 căn hộ được bán với giá bằng 50% giá sản phẩm cùng vị trí tại thị trường phía Nam để phục vụ người nghèo có nhà ở. Giá bán căn hộ sau khi được giảm giá 10-50%, doanh nghiệp vẫn không hề lỗ mà vẫn có lãi.
Sức cầu và khả năng chi trả của người dân còn rất tốt nên thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mua đất giá vừa phải, tiếp tục bán ra căn hộ giá trung bình, phù hợp với túi tiền của người dân - ông Đức cho hay.
Thận trọng, đầu tư có lựa chọn các dự án, đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường trong năm 2012 thành công và duy trì sự ổn định tài chính cho công ty là mục tiêu cốt lõi mà Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH) vừa đưa ra.
Trong đại hội, các cổ đông đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2010 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%/mệnh giá nhằm tăng vốn điều lệ. Đại hội của KDH cũng đã nhất trí sẽ không chia cổ tức năm 2011. Số tiền 10,31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ sẽ được công ty giữ lại để thực tái đầu tư.
Hà Nội: Các dự án treo giá
Ở Hà Nội động thái điều chỉnh giảm giá thực sự từ chính chủ đầu tư vẫn còn quá ít ỏi, cũng gần như rất hiếm những phát ngôn tuyên bố chắc nịch sẽ giảm giá sản phẩm như thị trường phía Nam.
Mùa báo cáo tài chính quý I và đại hội cổ đông thường niên 2012, diện mạo dự án BĐS hiện lên rõ hơn với tương lai trung hạn từ nay đến cuối năm. Phần lớn đều cho rằng sản xuất, kinh doanh BĐS sẽ còn nhiều rủi ro, khó khăn. Vì thế tiếp tục nghe ngóng và chờ đợi, tạm ngừng triển khai dự án, thúc đẩy chuyển nhượng sẽ vẫn là động thái chủ đạo.
Đơn cử, công bố kết quả kinh doanh quý I/2012, Công ty CP Địa ốc 11 (mã D11) cho thấy, trong kỳ đơn vị này chỉ có 507 triệu đồng doanh thu thuần, giảm mạnh so với mức 15,59 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Do nguồn thu eo hẹp, lãi gộp của công ty chỉ vỏn vẹn 444 triệu đồng, so với 8,04 tỷ đồng đạt được quý I/2011. Lợi nhuận sau thuế đạt 202 triệu đồng, so với 5,59 tỷ đồng quý I/2011.
D11 là doanh nghiệp sở hữu 7 dự án BĐS với giá đất và chi phí đền bù giải tỏa thấp, trong đó phải kể đến là dự án chung cư cao cấp D11 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy. Các dự án của D11 đều đang trong giai đoạn triển khai, dự kiến hoàn thiện trong thời gian từ 2013-2015.
Trong khi đó, đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp BĐS vừa qua, tình trạng cổ đông bức xúc, tranh luận vì tỷ lệ cổ tức năm 2011 giảm sút so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm. Có thể kể đến Công ty CP Đầu tư PV2, thay vì mức trả cổ tức năm 2011 là 10%, thì vừa qua cổ đông đã phải chịu mức 7%. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2011 đã không đạt kế hoạch đề ra, năm 2012 mục tiêu tăng trưởng cũng không đáng kể.
Ông Tôn Thiện Việt - Phó Chủ tịch HĐQT PVI kiêm Chủ tịch HĐQT PV2 cho rằng, trước mắt nguồn thu của PV2 từ hoạt động đầu tư ngắn hạn với nguồn lực hiện có, đó là hướng tới các dịch vụ đầu tư tài chính, quản lý tài sản. Khả năng năm nay chưa bán được các dự án BĐS vì bán thời điểm này chắc chắn là thua thiệt. Bên cạnh đó, PV2 sẽ tạm thời chưa đầu tư dự án Tòa nhà văn phòng cao cấp tại Yên Hòa, Cầu Giấy.
Về giả thuyết tại sao không đặt kế hoạch doanh thu cao hơn, ông Việt cho rằng, giả sử năm nay mua được dự án rất tốt với giá rất rẻ cũng chưa thể hạch toán ngay trong năm nay được, "nếu có ôm được chỉ ôm cơ hội thôi". Trong 7 tháng tới chưa nhìn cơ hội nên PV2 chỉ đặt mục tiêu kinh doanh ở mức "khả thi" là lợi nhuận trước thuế 39,15 tỷ, tỷ lệ cổ tức vẫn là 7%.
Tương tự, kết quả kinh doanh của Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) năm 2001 cũng rất thấp, chỉ lãi 1,51 tỷ đồng. Đại hội cổ đông thường niên lần 1/2012 của Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) hôm 21/4 vừa qua cũng thất bại vì số cổ đông tham dự biểu quyết không đủ điều kiện. Theo tài liệu đại hội, năm 2012, HĐQT công ty đánh giá thị trường BĐS tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2012. Năm 2011, PVL đã rất khó khăn về vốn. Sang năm 2012 tình hình thiếu vốn của doanh nghiệp vẫn là chủ yếu.
Việc thoái vốn tại Công ty CP BĐS xây lắp dầu khí-PVC Land, Công ty CP Phát triển Phong Phú-Lăng Cô, Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Gia Phú đã không thể thực hiện trong năm 2011 do thị trường khó khăn. Năm 2012, PVL tiếp tục trình ĐHCĐ cho thoái vốn đầu tư tại PVC Land, Công ty CP Địa ốc Dầu khí Sài Gòn và Công ty CP Phát triển Phong Phú-Lăng Cô,.
Kết quả báo cáo lỗ hoặc lãi không đáng kể từ BĐS thời gian qua, song tất cả như muốn thể hiện rằng, doanh nghiệp BĐS phía Bắc vẫn rất dai sức, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu như TP.HCM, xu hướng giảm giá dự án BĐS là cách thoát thân hữu hiệu của các doanh nghiệp, thì hoàn cảnh của Hà Nội là khác hẳn. Các chủ đầu tư tại Hà Nội thường ít chịu áp lực về vốn so với tầng lớp đầu tư trung gian đã xuất tiền ra ôm trước đây.
Câu chuyện của doanh nghiệp, nhà phát triển dự án BĐS tại Hà Nội lúc này chủ yếu là lo xếp vốn để tiếp tục xây dựng dự án. Thậm chí nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư đã "ăn đủ" thời gian trước và hiện vẫn sống khỏe. Ông Võ cho rằng, cũng như các doanh nghiệp, giá BĐS Hà Nội sẽ đứng được ở một thời gian khá dài. Chuyện "vỡ trận", "phá sản" là khó có thể xảy ra, do đó cho rằng thị trường này suy sụp sẽ tác động ngược lại thị trường tài chính là không thể.
Duy trì, cầm cự mà không đến mức phải bán tháo, giảm giá hàng loạt; tình trạng các doanh nghiệp năng lực tài chính hạn chế, phải chuyển nhượng là có và đó sẽ là điều bình thường diễn ra tại thị trường Hà Nội trong năm 2012.
(Theo VEF)