Trong khi nhiều DN ngoài ngành đầu tư vào bất động sản (BĐS) thời gian qua phải bán dự án hoặc thoái vốn để tái cơ cấu tài chính thì có không ít DN vẫn coi BĐS là ngành kinh doanh mũi nhọn.
Trong khi nhiều DN ngoài ngành đầu tư vào bất động sản (BĐS) thời gian qua phải bán dự án hoặc thoái vốn để tái cơ cấu tài chính thì có không ít DN vẫn coi BĐS là ngành kinh doanh mũi nhọn.
Tuy nhiên, để bám trụ với ngành kinh doanh này, các DN đã phải tính toán phương án đầu tư thận trọng, hợp lý nhất...
Trao đổi với báo chí, ông Chu Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Simco Sông Đà (SDA) cho biết, trong năm 2012, doanh thu chủ yếu của SDA sẽ đến từ những lĩnh vực chính như: kinh doanh BĐS và ngành nghề truyền thống của Công ty là xuất khẩu lao động.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, các DN kinh doanh BĐS đều rất khó khăn, dù là DN lớn hay những DN ngoài ngành đầu tư vào BĐS. Nhiều DN đã phải bán bớt dự án. Tuy nhiên, do SDA không lấn quá sâu vào BĐS, lại chủ động được nguồn tài chính nên Công ty không phải thoái vốn khỏi bất kỳ dự án BĐS nào mà Công ty đang làm chủ đầu tư.
Hiện tại, SDA đang thực hiện 2 dự án, Dự án Tiểu khu đô thị Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) và Dự án đường bao phía Tây TP. Hà Tĩnh đều đã gần hoàn thiện. Tuy nhiên, Dự án Tiểu khu đô thị Vạn Phúc bị chậm tiến độ vì vướng mắc về thủ tục hành chính nên lợi nhuận kỳ vọng tại dự án này không đạt được. Dự kiến, Dự án đường bao phía Tây TP. Hà Tĩnh sẽ mang lại doanh thu lớn cho Công ty trong thời gian tới.
Số dự án SDA đang làm chủ đầu tư, như: Tòa nhà Simco Tower Cầu Bươu (huyện Thanh Trì, Hà Nội) trên diện tích rộng hơn 6.000 m2; hay dự án Khu công nghiệp Phụng Hiệp (huyện Thường Tín, Hà Nội) bị chậm tiến độ, Simco Sông Đà đang nghiên cứu xin thay đổi công năng và chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, Dự án Tòa nhà Simco Tower Cầu Bươu, nếu thực hiện đúng tiến độ, thời điểm này đã phải hoàn thành xong phần móng. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết phân khu của TP. Hà Nội chưa được phê duyệt. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch nâng tầng Toà nhà nhằm nâng hiệu quả đầu tư chưa thực hiện được. Do thị trường BĐS, nhất là phân khúc căn hộ quá trầm lắng, nên Công ty đang nghiên cứu chuyển đổi công năng dự án sang dạng nhà thấp tầng. Theo ông Tuấn, chủ trương chuyển đổi công năng Dự án Tòa nhà Simco Tower sang nhà thấp tầng đã được UBND TP. Hà Nội ủng hộ.
Đối với dự án Khu công nghiệp Phụng Hiệp, có diện tích lên tới 401 héc-ta, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 580 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được tiến hành trong giai đoạn từ năm 2007 - 2011. Tuy nhiên, Dự án đã bị gián đoạn do việc Hà Nội mở rộng và sáp nhập. Để thực hiện dự án hiệu quả, Simco Sông Đà có kế hoạch xin chuyển đổi chức năng sử dụng, dự kiến chuyển thành khu đô thị sinh thái, thay vì khu công nghiệp như trước kia. Ông Tuấn cho rằng, nếu việc chuyển đổi thành công, tính khả thi và hiệu quả kinh tế của dự án sẽ cao hơn rất nhiều.
Không riêng SDA, DN ngoài ngành khác là CTCP Coma 18 (CIG) cũng xác định lấy BĐS là ngành nghề mũi nhọn trong hoạt động kinh doanh trong năm 2012, bất chấp việc thị trường BĐS còn rất nhiều khó khăn. Chủ tịch HĐQT CIG Lê Huy Lân cho biết, lấy BĐS làm mũi nhọn, nhưng trước mắt, Coma 18 vẫn lấy xây dựng và cơ khí để tạo ổn định bền vững, đảm bảo lợi nhuận và phát triển thương hiệu. Với lĩnh vực BĐS, Coma 18 cũng không đầu tư dàn trải, mà chỉ tập trung vào một số dự án, trong khi giãn tiến độ và phân kỳ một số dự án khác. Với một số dự án, Công ty đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc liên danh để đẩy nhanh tiến độ nhằm thu hồi vốn.
Cấu trúc lại danh mục đầu tư, cấu trúc lại sản phẩm là xu hướng phổ biến với các DN, nhất là với những DN ngoài ngành không muốn rời bỏ lĩnh vực BĐS, cho dù thị trường hiện rất khó khăn.
(Theo ĐTCK)