Quỹ đất khan hiếm, bị chôn vốn lâu, cộng thêm thủ tục hành chính kéo dài là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Trong đó, sức ép lớn nhất là thủ tục hành chính.
Quỹ đất khan hiếm, bị chôn vốn lâu, cộng thêm thủ tục hành chính kéo dài là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Trong đó, sức ép lớn nhất là thủ tục hành chính.
Ngày 6/11, tại hội thảo giải pháp phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân tại khu công nghiệp và nhà ở cho người có thu nhập thấp, các chuyên gia bất động sản và luật sư TP HCM kiến nghị Chính phủ gấp rút tháo gỡ thủ tục để tăng nguồn cung cho phân khúc thị trường này.
Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị rút gọn thời gian cấp phép hợp lý đối với những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, công nhân. Bà phân tích, theo Nghị quyết của Chính phủ, nhà ở cho công nhân, sinh viên không hạn chế số tầng, nhưng phù hợp với quy hoạch, phụ thuộc rất nhiều vào người cấp phép. Trong khi đó, số tầng được quy định cụ thể bao nhiêu là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có đầu tư xây dựng hay không. Bà đưa ra chỉ tiêu diện tích tối thiểu thiết kế nhà cho sinh viên là 4 m, công nhân là 5 m. Luật sư này cho rằng khống chế các tiêu chí còn quá chủ quan và không sát tình hình thực tế.
Bà Hòa còn đề xuất Chính phủ cần đưa ra các biện pháp cụ thể hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ngay từ đầu để có nhiều chọn lựa phương án đầu tư. Bởi lẽ, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ thì doanh nghiệp phải gồng gánh gần như lấy thu bù chi.
Nữ luật sư này còn đề xuất chính quyền địa phương công khai minh bạch quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để tất cả mọi người quan tâm cùng biết. Từ đó doanh nghiệp chủ động tính toán những suất đầu tư và lựa chọn, tìm kiếm quỹ đất dễ dàng hơn.
Là người từng đầu tư vào dự án nhà cho người thu nhập thấp tại TP HCM từ thời còn thí điểm dự án nhà ở xã hội, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Gia Định Nguyễn Phụng Thiều nhận xét: "TP HCM đi đầu trong cả nước về chương trình này đã được 20 năm rồi nhưng hiệu quả quá thấp là một điều đáng buồn".
Ông Thiều cho rằng tháo gỡ cơ chế và thủ tục quan trọng hơn là cho doanh nghiệp vay ưu đãi và miễn giảm thuế. Bởi lẽ, thủ tục hành chính đang lâm vào tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" nên nói dễ mà làm khó.
Cũng tâm huyết với các dự án nhà giá rẻ, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực phát biểu: "Hiện thủ tục hành chính chiếm khoảng 50% chiến lược giá thành căn hộ giá rẻ. Các tuyên bố giảm 30% thủ tục hành chính chỉ là con số vô cảm chứ chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp".
Quan điểm của ông Đực, trách nhiệm Nhà nước cộng với năng lực của doanh nghiệp mới thực hiện được chương trình nhà giá rẻ. Ông dẫn ra các số liệu "biết nói" tại TP HCM. Đó là, từ năm 2005 Luật Nhà ở bắt đầu đề cập đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhưng thực tế đến nay chưa xây dựng được căn nào. Các đại gia địa ốc đều từ chối xây dựng nhà ở xã hội và nhà giá rẻ. Ước tính, mỗi năm nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Sài Gòn khoảng 30.000 căn nhưng Tổng công ty địa ốc Sài Gòn cung cấp chưa quá 300 căn. Nguồn cung như muối bỏ biển.
Phó tổng giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng Trần Văn Thành kiến nghị: "Đừng quá cứng nhắc chạy theo những nguyên tắc, chỉ tiêu về nhà ở cao cấp, đô thị hiện đại mà nên chấp nhận một giai đoạn nhà dưới chuẩn để giải quyết bài toán thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp".
Phó Cục trưởng quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh chia sẻ với doanh nghiệp địa ốc TP HCM: "Không riêng gì doanh nghiệp ngán thủ tục, quản lý nhà nước cũng gặp khó khăn. Bằng chứng là khi ban hành một nghị định cũng mất một năm, cho ra đời một luật cũng tốn hai năm".
Theo ông Ninh, nguồn vốn đang thiếu nên không thể trông đợi vào ngân sách để gồng gánh nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này là thiếu vốn. Nếu doanh nghiệp tham gia xây nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội gặp những khó khăn, khúc mắc gì liên quan đến chính sách, thủ tục, các bộ ngành và Chính phủ sẽ cùng tháo gỡ.
Ông Ninh cho biết thêm, vì nguồn vốn ngân sách còn hạn chế nên Chính phủ đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách, quỹ đất, thuế, vốn (nếu nhà nước có tiền). Hiện các cơ chế đã mở, tiền sử dụng đất miễn hoàn toàn, giảm 5% cho thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên những gì nhà nước ưu đãi doanh nghiệp không thể đưa vào giá thành và giá bán là do địa phương quyết định.
(Theo Vnexpress)