Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng như hiện nay, "lỗi” chính là do những bất cập trong chính sách về tín dụng cũng như vấn đề về chi phí giá đất…
Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng như hiện nay, "lỗi” chính là do những bất cập trong chính sách về tín dụng cũng như vấn đề về chi phí giá đất…
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS muốn thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng, cần nhất vẫn phải là tháo gỡ những "nút thắt” nói trên.
DN "tố”: Lãi suất đẩy chi phí giá thành BĐS lên cao
Có thể nói, chưa khi nào, vấn đề cứu thị trường BĐS lại được dư luận, các chuyên gia, các nhà quản lý quan tâm như thời điểm này. Nguyên nhân đã được xác định rõ, song giải pháp dường như vẫn còn bế tắc. Một trong những khó khăn mà các DN kinh doanh BĐS đang gặp phải thời gian qua, theo nhiều DN, có lẽ vẫn là vấn đề chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Ngọc Thành - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng, những chi phí đầu vào cho một dự án BĐS đang là gánh nặng lớn của các DN. Lãi suất cao cùng với chi phí sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng đã đẩy giá thành BĐS lên cao.
Ông Thành cho biết, chi phí lãi vay ngân hàng đã chiếm tới 50% giá thành căn hộ. Và chính việc thắt chặt tín dụng thời gian qua đã đẩy nhiều DN đến tình trạng nợ xấu, bởi DN không vay tiếp được tiền thì toàn bộ vốn đầu tư hàng trăm tỷ vào dự án sẽ "đóng băng”, như vậy sẽ nghiễm nhiên trở thành nợ xấu. Do vậy, vấn đề về lãi suất ngân hàng rất cần phải được giải quyết sớm. "Những chính sách về lãi suất nếu không được chuyển đổi một cách linh hoạt thì DN kinh doanh bất động sản rất khó sống”.
Bên cạnh khó khăn về lãi suất, chi phí giải phóng mặt bằng cũng đang gây khó cho DN bất động sản. Không ít DN cho rằng, về mặt lý thuyết chi phí giải phóng mặt bằng không hẳn là cao, song trên thực tế, chi phí này lại rất lớn. Những yếu tố trên vô hình trung đẩy giá bất động sản lên cao ngất. "Nếu so với thu nhập bình quân đầu người, giá BĐS ở Việt Nam đang cao gấp 20 lần so với các nước, trong khi mức giới hạn đầu tư chỉ ở mức 5-10 lần” – ông Thành nhận định.
Cũng liên quan đến vấn đề chi phí đầu vào cao, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư CEO Đoàn Văn Bình cho rằng, giá thành BĐS thường bị đẩy lên cao một phần do tiền sử dụng đất đã chiếm tới 20-30% giá thành sản phẩm BĐS. Nhiều doanh nghiệp sau khi giải phóng xong mặt bằng, đóng tiền sử dụng đất một lần đã cạn vốn. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng khó khăn.
Ngân hàng "phản pháo”
Mặc dù hầu hết các DN kinh doanh BĐS đang "đổ lỗi” một phần thị trường bất động sản đóng băng là do chính sách về tín dụng, lãi suất cao. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng, ngành ngân hàng thời gian qua đã có nhiều động thái nhằm hỗ trợ cho thị trường này. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hầu như tất cả các lĩnh vực BĐS thời gian qua đã được "cởi trói” tín dụng, ngoại trừ lĩnh vực đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các gói tín dụng cho vay BĐS như Ngân hàng Công thương với gói 5.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã đưa ra gói 4.000 tỷ đồng "liên kết 4 nhà” và gói 2.000 tỷ đồng cho đối tượng mua nhà thu nhập thấp. "Có thể thấy, từ tháng 4 - 2012 đến nay, các ngân hàng đã công bố các gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực bất động sản lên đến 20.000 tỷ đồng”.
Ông Mạnh cũng "phản pháo” lại ý kiến của vị chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng khi "tố” rằng, lãi suất ngân hàng đang chiếm 50% chi phí giá thành sản phẩm bất động sản. Theo ông Mạnh: "Không có chuyện đó. Có chăng, chỉ là do tình trạng những dự án chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con nên mới đẩy lãi suất lên cao. Đó là hậu quả của những yếu kém trong quản lý, điều hành dự án”.
Bởi theo ông Mạnh, lãi suất cho vay phụ thuộc vào thị trường, không phải ngân hàng muốn lãi suất cao là cứ đơn phương đẩy lãi suất lên cao được. Tuy nhiên, ông Mạnh cũng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ đưa ra những chính sách tín dụng linh hoạt và điều chỉnh lãi suất một cách hợp lý để cùng thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
(Theo Đại Đoàn Kết)