Hiện có hàng loạt doanh nghiệp VLXD nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Knauf, Prime, POSCO Specialty Steel, Formosa, Semen Indonesia…
|
Sản phẩm của các doanh nghiệp nội ngày càng ít ỏi tại các đại lý bán VLXD |
Các doanh nghiệp VLXD nước ngoài tấn công vào thị trường Việt Nam theo 2 hướng, hoặc là có chất lượng vượt trội do được ứng dụng công nghệ tiên tiến, hoặc giá bán rất rẻ. Thực tế này đang khiến nhiều doanh nghiệp VLXD nội rơi vào cảnh lao đao.
Mới đây, công ty sản xuất tấm thạch cao hàng đầu thế giới đến từ Đức là Knauf vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy có tổng vốn đầu tư 30 triệu Eur và tổng diện tích khoảng 63.000m2, công suất 12 triệu m2 tấm thạch cao và 15 triệu m dài khung xương kim loại mỗi năm. Semen Indonesia đang có kế hoạch đầu tư 250-300 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất xi măng mới tại Việt Nam trong 5 năm tới như một phần trong chiến lược mở rộng kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á.
Prime hiện đang chiếm thị phần 20% về gạch ốp lát cũng không ngần ngại cho biết ý định mở rộng thị phần của mình sau khi được Tập đoàn Siam Cement Group mua lại. Formosa đang hứa hẹn trở thành cái tên “khủng” trong ngành thép. Trong lĩnh vực nhựa, 2 “ông lớn” Tiền Phong và Bình Minh cũng đã bị “ngoại hóa” khi công ty nhựa Thái Lan Nawaplastic Industry (Saraburi) Co. (NTP) bất ngờ thông báo trở thành cổ đông lớn, nắm 16,72% vốn của nhựa Bình Minh và 22,6% vốn của nhựa Tiền Phong…
Theo Tổng cục Thống kê, lượng sắt thép nhập khẩu trong tháng 7 lên tới 800.000 tấn, trị giá 548 triệu USD, tăng 61,6% về lượng và 50,5% về giá trị so với tháng trước đó. Tính chung 7 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu lên tới 5,83 triệu tấn, trị giá 3,92 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng song lại giảm 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, lượng thép xây dựng nội chỉ tiêu thụ được 380.000 tấn.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Văn Sưa, thép giá rẻ nhập khẩu tăng mạnh đang cạnh tranh gay gắt với thép nội. Đặc biệt sắp tới, ngành thép Việt Nam còn phải đối mặt với một đối thủ “khủng” hơn Trung Quốc, đó là Nga sau khi Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan được ký kết.
Một chuyên gia về VLXD cho biết, ông đã từng trao đổi với các DN trong ngành rằng nếu như cứ để các nhãn hiệu ngoại lấn sân mạnh mẽ như hiện nay, vị trí của các sản phẩm sản xuất trong nước cứ dần thưa vắng trên các kệ hàng trong cửa hàng VLXD, chắc chắn DN trong nước chỉ có “chết”.
Chết bởi sự nửa vời, không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm các cấp đến từ các tập đoàn uy tín, công nghệ cao, cũng không thể đấu nổi với các sản phẩm cực kỳ rẻ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, kể từ khi cơn “đại khủng hoảng” trên thị trường BĐS bắt đầu, các DN ngành VLXD vẫn chưa thực sự tìm được đường đi đúng đắn và thực sự cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh, thị trường VLXD phụ thuộc khá lớn vào thị trường BĐS, nên nếu đầu ra chưa khởi sắc sẽ khó có sự thay đổi lớn trong thời gian tới. Chính bởi sự phụ thuộc này nên nếu Nhà nước không có sự quan tâm, chắc chắn ngành VLXD vẫn chưa thể lạc quan. Việc phải có hàng rào kỹ thuật để hạn chế các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, gian lận thương mại cùng với hàng rào thuế quan để bảo hộ DN trong nước thực sự là điều rất cấp thiết. Điều này nhiều nước trong khu vực đã thực hiện rất nghiêm ngặt, bởi thực tế, theo đà suy thoái chung không chỉ DN VLXD trong nước mới gặp khó.
Hiện nay, Luật Cạnh tranh chưa có quy định đề cập đến việc một nhà cung cấp nắm thị phần chi phối mặt hàng nào đó ở nước ngoài khi mua cổ phiếu số lượng lớn của các DN nắm thị phần chi phối mặt hàng đó tại Việt Nam có bị hạn chế hay phải báo cáo cơ quan quản lý tại Việt Nam. Chính lỗ hổng này của pháp luật cũng khiến DN nội lo lắng bởi ngày càng có nhiều DN nước ngoài có kế hoạch tiến vào thị trường VLXD Việt Nam.