"Cái bánh" thị trường xây dựng đang nở phình do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và công trình các loại tăng cao. Song không phải doanh nghiệp nào cũng có sự chuẩn bị tốt cho một chiến lược dài hơi.
"Cái bánh" thị trường xây dựng đang nở phình do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và công trình các loại tăng cao. Song không phải doanh nghiệp nào cũng có sự chuẩn bị tốt cho một chiến lược dài hơi.
Theo số liệu của Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP HCM, thành phố hiện có khoảng 26.000 doanh nghiệp có chức năng xây dựng, nhưng theo ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực hội, số doanh nghiệp có năng lực thi công thực sự chỉ chiếm một phần mười, trong đó, số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu cao về kỹ, mỹ thuật thì chỉ khoảng trên dưới 20.
Thị trường được chia làm nhiều phân khúc, từ nhà tư nhân, các công trình giá trị thi công vài tỷ đến hàng chục, vài trăm tỷ đồng. Theo ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Cotec Group), vấn đề hiện nay của các doanh nghiệp xây dựng không nằm ở chỗ có hay không cơ hội việc làm mà là sự phấn đấu “thăng hạng”để gia nhập vào danh sách nhà thầu các công trình thuộc phân khúc thị trường cao hơn.
Trên thực tế, nhiều chủ dự án các công trình lớn đã chọn những nhà thầu có uy tín dù họ bỏ giá thầu cao hơn các đối thủ khác 10-20%. Điều này cho thấy, thị trường với hơn 75% vốn đầu tư ngoài quốc doanh đang “chọn mặt gửi vàng”, bởi chất lượng công trình là yếu tố quan trọng tạo uy tín thương hiệu không chỉ cho nhà thầu mà trước hết là cho chủ đầu tư. Do đó, việc cạnh tranh của doanh nghiệp đang diễn ra ở góc độ tạo lập uy tín thương hiệu. Đây là vấn đề không dễ dàng đối với doanh nghiệp ngành xây dựng, nhất là trong việc kiểm soát chất lượng thi công trong bối cảnh sử dụng nhiều lao động và phối hợp nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Bài toán kỹ thuật
Theo ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát, hiện nay, không phải nhà thầu nào cũng có kỹ năng xác định chi phí thi công sao cho đúng, đủ và đảm bảo chất lượng công trình. Đã có khá nhiều gói thầu được bỏ giá tưởng là cạnh tranh nhưng thực ra là do tính toán thiếu chuyên nghiệp. Hệ quả là để bù đắp vào các chi phí phát sinh, nhà thầu luôn phải xoay xở để giảm chi phí đầu vào và tất nhiên là giảm luôn chất lượng công trình. Sau đó là một chuỗi dài sửa chữa, duy tu công trình tốn kém gấp nhiều lần.
Đây là một trong những vấn đề kỹ thuật mà ông Kiệt cho là nhiều công ty chưa có kinh nghiệm, nhất là đối với các công trình giá trị lớn. “Để không mắc sai lầm, nên sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp và đừng cố đeo bám những công trình có yêu cầu mức chi phí thấp hơn dự toán”, ông Kiệt nói.
Trước tình hình giá cả vật tư nguyên liệu thường biến động mạnh ngoài vòng kiểm soát và giá thầu vẫn còn là yếu tố quan trọng trong các cuộc đấu thầu, xu hướng hiện nay của các công ty xây dựng là tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác chiến lược cung cấp vật tư. “Theo cách này, chúng tôi được nhà cung cấp cam kết ổn định giá vật tư trong thời hạn thỏa thuận. Bài toán chi phí đầu vào sẽ trở nên đơn giản và chính xác hơn”, ông Kiệt cho biết.
Một vấn đề quan trọng khác mà các công ty phải đối diện là nâng cao trình độ tổ chức và quản lý công trường. Các công ty xây dựng trong nước đang đứng trước thách thức từ các công trình kiến trúc mang tầm vóc khu vực và thế giới với yêu cầu “chất lượng toàn cầu”. Vì thế, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển vững chắc không nên né tránh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 9000.
Ở góc độ khác, ông Đào Đức Nghĩa cho rằng bài toán kỹ thuật dành cho các doanh nghiệp lớn hiện nay còn là việc phải tích cực nâng cao trình độ để nắm bắt kỹ thuật thi công các công trình bảy, tám chục tầng cao với bốn, năm tầng hầm sâu dưới đất, chứ không phải chỉ những công trình trên dưới ba mươi tầng như hiện nay. Ông cho rằng doanh nghiệp trong nước có thể đuổi bắt trình độ kỹ thuật thế giới trong 10, 15 năm tới nhưng cơ hội phát triển của thị trường xây dựng còn mênh mông cho đến 50, 70 năm sau. “Vấn đề là cần có nhiều người chịu tư duy và có động thái chuẩn bị ngay từ bây giờ. Hoặc mãi mãi chấp nhận làm thầu phụ trong những công trình như xử lý móng khu đô thị Thủ Thiêm chẳng hạn”, ông nói.
Bài toán con người
Ông Kiệt cho rằng, nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội đảm nhận được số công trình gấp hai, ba lần hiện nay nhưng bị hạn chế do việc phát triển nguồn nhân lực không theo kịp. Để ổn định đội ngũ quản lý cấp cao, hầu hết các công ty đều có chính sách gắn đối tượng này với những ưu đãi về quyền lợi. Khó khăn lớn hiện nay rơi vào các cấp quản lý, điều hành trung gian. Theo ông Kiệt, phần lớn họ thuộc giới trẻ, đang có nhiều cơ hội trong tình hình thị trường lao động thiếu hụt nên dễ dàng rời bỏ công việc ngay khi có cơ hội mới. Sự ra đi của cấp đội trưởng thường tạo sự xáo trộn mạnh đến đội ngũ hàng trăm lao động phổ thông bên dưới.
Cái khó hơn vẫn là việc quản lý điều hành đội ngũ hàng nghìn công nhân xây dựng. Đây là điểm yếu của nhiều công ty khiến họ chưa dám mạnh dạn nhận thầu cùng lúc nhiều công trình. Phần lớn họ là lao động nông nhàn, không được qua đào tạo và thiếu phong cách làm việc công nghiệp. Theo ông Sanh, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp cần có cái nhìn mới về xây dựng. “Đây là ngành kỹ thuật nên đội ngũ công nhân nhất thiết phải được đào tạo, cấp giấy chứng nhận bậc thợ mới được hành nghề”.
“Một công trình kiến trúc đẹp, bền vững được thành hình từ kỹ thuật pha từng lớp vữa, đặt từng viên gạch. Chừng nào chúng ta còn chưa đào tạo nghiêm túc cho công nhân thì đừng mơ đến những công trình như sông Seine, Paris”, ông Nghĩa nói.
(Theo TBKTSG)